Vải thiều Việt Nam đang được doanh nghiệp xuất sang thị trường Nhật Bản với khối lượng lớn. Đặc biệt, loại quả đặc sản này của nước ta đang được khách hàng Nhật đánh giá cao về chất lượng.
Thông tin từ huyện Tân Yên (Bắc Giang), sáng ngày 26/5 sẽ diễn ra lễ xuất hành vải sớm của huyện này đi sang thị trường Nhật Bản. Đây cũng là lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật trong mùa vải năm nay.
Năm 2021, toàn Bắc Giang có 30 mã số vùng trồng vải thiều với diện tích gần 220ha, sản lượng ước khoảng 1.800 tấn. Diện tích này tập trung tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên.
Hiện có 5 doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát vùng trồng, đang chuẩn bị các điều kiện đàm phán, ký kết hợp đồng thu mua vải với nông dân thuộc các mã số vùng trồng để xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật.
Vải thiều xuất khẩu được giám sát chặt chẽ về chất lượng |
Tại Hải Dương, sản phẩm vải thiều Thanh Hà chính thức có mặt ở Nhật Bản vào ngày 23/5. Trước đó, các doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ phương tiện vận tải bảo đảm tiêu chuẩn để vận chuyển xuất khẩu 100 tấn vải quả đầu tiên sang Nhật Bản.
Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương, cho biết, giá vải thiều thu mua xuất khẩu sang Nhật Bản cao hơn khá nhiều so với giá vải tại thị trường nội địa. Đây là động lực để người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất.
Vụ vải thiều này, dự kiến tổng sản lượng các doanh nghiệp ở Hải Dương xuất khẩu sang thị trường Nhật khoảng 1.000 tấn.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho hay, năm nay xuất khẩu vải thiều sang Nhật có nhiều điểm thuận lợi hơn năm 2020. Bởi, trước khi bước vào vụ thu hoạch vải thiều tại Hải Dương và Bắc Giang, Nhật Bản đã uỷ quyền cho Cục Bảo vệ thực vật giám sát toàn bộ các lô vải thiều xuất khẩu sang thị trường này theo đúng quy định đã đàm phán của hai bên.
Vải được đóng gói cẩn thận, chuẩn bị xuất sang Nhật với số lượng lớn (ảnh B.H) |
Theo đó, thay vì chuyên gia Nhật trực tiếp sang Việt Nam giám sát như năm 2020, năm nay, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cử các chuyên gia về tận vùng vải giám sát, cấp giấy chứng nhận, niêm phong tại chỗ các lô hàng để chuyển ra sân bay xuất đi Nhật.
“Việc này mình toàn quyền chủ động. Thế nên, bất kể ngày đêm, bất kể thứ 7 và Chủ nhật đều có thể làm việc để các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Nhật", ông Trung khẳng định.
Không chỉ vậy, tháng 3 vừa qua, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang thị trường này và mở rộng tiêu thụ ra các nước khác.
Vào siêu thị tại Nhật, giá vải thiều năm ngoái lên tới hơn 500.000 đồng/kg (ảnh B.H) |
Còn nhớ thời điểm này ngoái, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song vải thiều Việt Nam vẫn “mở cửa” thành công thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Đáng chú ý, vải thiều Việt lần đầu tiên xuất hiện trên kệ siêu thị tại Nhật Bản đã “cháy hàng” sau vài giờ mở bán. Giá vải thiều tại thị trường Nhật Bản cao ngất ngưởng, lên tới hơn 500.000 đồng/kg.
Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho hay, dù cả mùa vải năm 2020, tỉnh chỉ xuất được 60 tấn vải sang thị trường Nhật Bản, nhưng người nông dân đều hiểu ý nghĩa đằng sau là vô cùng lớn.
“60 tấn vải xuất khẩu, số tiền thu về không đáng kể, thậm chí chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong con số gần 7.000 tỷ, nhưng lại khẳng định được chất lượng của trái vải, từ đó giá bán tăng cao, người tiêu dùng tin tưởng mua nhiều hơn. Cuối cùng, nông dân trồng vải được hưởng lợi”, ông Tùng chia sẻ.
Dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng mọi công tác chuẩn bị về sơ chế, đóng gói, phục vụ thị trường Nhật đã được các doanh nghiệp chuẩn bị. Thế nên, lượng vải thiều Bắc Giang xuất sang thị trường này dự kiến tăng mạnh.
T.An