Thị trường Hàn Quốc mở cửa nhập khẩu cà rốt trở lại sau một thời gian ngừng giao thương, TP. Hải Phòng cũng bỏ chốt kiểm soát nên cà rốt ở tâm dịch Cẩm Giàng tiêu thụ tốt, giá liên tục tăng, hiện cán mốc 10.000 đồng/kg.
Đường ra cảng thông suốt, Hàn Quốc chào đón cà rốt Hải Dương
Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN-PTNN Hải Dương, thông tin với PV.VietNamNet, những ngày này, ngành nông nghiệp và bà con nông dân trồng cà rốt tại Hải Dương liên tiếp nhận tin vui.
Ông Quân nói: “Sáng 26/2, lãnh đạo Bộ NN-PTNN báo tin thị trường Hàn Quốc mở cửa nhập khẩu cà rốt trở lại sau một thời gian ngừng giao thương. Chiều hôm đó, phía Hải Phòng bỏ chốt kiểm soát, các xe hàng nông sản xuất khẩu lưu thông thuận lợi xuống cảng. Đến sáng nay (1/3), cà rốt cỡ L được thu mua với giá 10.000 đồng/kg. Nếu là hàng đặc biệt, có số lượng lớn, các doanh nghiệp sẵn sàng trả giá trên 10.000. Đây là thời điểm mà cà rốt của Hải Dương được giá cao hiếm thấy".
Tuy nhiên, để có được kết quả này, đằng sau đó là câu chuyện dày công của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ từ lãnh đạo Bộ NN-PTNT, ông Quân cho hay.
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng (ngoài cùng bên trái) tới động viên các doanh nghiệp xuất khẩu cà rốt vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất |
Giám đốc Sở NN-PTNN Hải Dương Trần Văn Quân (bên trái) vui mừng nhận tin Hàn Quốc mở cửa nhập khẩu cà rốt trở lại |
Để tạo điều kiện cho nông dân trong vùng sản xuất nguyên liệu xuất khẩu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản, người được giao nhiệm vụ chỉ huy công tác dập dịch tại huyện Cẩm Giàng, đã yêu cầu chính quyền cấp thẻ ra đồng cho nông dân.
Với phương châm "dịch vẫn phải quyết liệt ngăn chặn, vùng nông sản xuất khẩu không được để đứt hàng", người dân tại xã Đức Chính vẫn ra đồng trong bối cảnh toàn huyện Cẩm Giàng đang bị phong toả.
Trao đổi với PV. VietNamNet, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Hải Dương đều chung ý kiến, từ ngày 16/2, khi Hải Phòng ra quy định chống dịch “ngặt nghèo”, từng container cà rốt xuống cảng để xuất ra nước ngoài như đã ký đã phải quay đầu. Hàng phải để vào kho, họ phải đền bù thiệt hại với phía nước ngoài.
Trong khi đó, đơn hàng cà rốt chiếm 80% số lượng nông sản xuất khẩu của Hải Dương nên ngoài thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp ở đây còn bán sang nhiều thị trường khác.
Các nhà máy sơ chế cà rốt vẫn hoạt động, đảm bảo quy định chống dịch |
Cánh đồng cà rốt xã Đức Chính trong thời gian phong toả |
Cà rốt được mua tại ruộng xong chuyển về xưởng sơ chế những ngày qua |
Cà rốt Hải Dương vượt dịch nhưng không thông được chốt, quay về kho nằm chờ trước ngày 28/2 |
Vì thế, khi Hải Phòng cho các xe chở hàng nông sản Hải Dương ra vào địa bàn khiến việc thông thương thuận lợi hơn, các đơn hàng cà rốt xuất đi được, nhờ đó giá cà rốt từ ngoài ruộng đến các xưởng sơ chế nóng lên từng ngày.
Anh Hồ Việt Hoàn, Chủ tịch HTX Hoàng Nam Phát, trụ sở tại xã Gia Xuyên, TP. Hải Dương, tiết lộ, ba hôm nay, xe chở cà rốt của HTX Hoàng Nam Phát đã xuống cảng thuận lợi. Hiện anh mua xô cà rốt tại ruộng là 5.000 đồng/kg, mua qua các xưởng đã sơ chế là 7.000-8.000 đồng/kg. Còn hàng đảm bảo xuất khẩu là gần 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ hôm qua đến nay, hàng bắt đầu khan, giá tăng lên liên tục.
Giành thế chủ động
Ông Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN Hải Dương, nhận xét, lâu nay, thị trường Trung Quốc vướng đại dịch Covid-19 và vừa rồi là thiên tai nên sản lượng nông sản xuất sang đó sụt giảm, đặc biệt là cà rốt. Vì thế, thông qua các đầu mối, tư thương Trung Quốc tìm về Hải Dương thu mua cà rốt để xuất đi các nước khác theo đơn hàng mà họ đã ký.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã sát cánh cùng các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để mua tận nơi, xuất đi tận ngọn. Do đó, việc thu mua của phía Trung Quốc với mặt hàng này trở nên khó khăn.
Từng chuyến hàng ra cảng đều đặn, tháo gỡ khó khăn về lưu thông cho doanh nghiệp |
Cà rốt Hải Dương là sản phẩm nông nghiệp chuyên đi xuất khẩu, thu giá trị lớn |
Tư thương Hải Dương đã chủ động thu mua, khiến các đầu mối gom hàng Trung Quốc bị thu hẹp |
Từ khi Hải Phòng mở chốt, mỗi ngày Hải Dương xuất qua cảng gần 20 container, tương đương khoảng 600 tấn cà rốt đã qua sơ chế. Riêng tiêu thụ ở các chợ đầu mối trong nước, vùng cà rốt Cẩm Giàng đang cung ứng hơn 100 tấn/ngày, với giá mua xô từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà rốt cùng kỳ năm ngoái với hàng xuất chỉ từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg. Hàng tiêu thụ nội địa cùng kỳ khoảng trên dưới 3.000 đồng/kg.
"Dự tính, ngày 3/3 tới, khi Hàn Quốc chính thức mở lệnh nhập hàng thì giá cà rốt sẽ tiếp tục tăng”, vị Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương thông tin.
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT đã ra thông báo số 335/BVTV-KD về việc kiểm dịch thực vật đối với cà rốt và một số nông sản xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Theo đó, ngày 25/2, Hàn Quốc đã có văn bản chính thức gửi Cục Bảo vệ thực vật thông báo gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với củ cà rốt và một số nông sản của Việt Nam, kể từ ngày 4/3.
Ghi nhận của PV sáng 1/3 tại xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) - thủ phủ cà rốt ở Hải Dương, giá cà rốt trên thị trường đã tăng hơn 10% so với trước Tết. Hiện trên toàn tỉnh Hải Dương còn 500 ha cà rốt chưa thu hoạch. Các doanh nghiệp cũng rất khó khăn trong việc đặt thêm hàng. Nếu tư thương Trung Quốc tiếp tục đặt mua thì càng khó có nguồn hàng cung ứng.
Giá cà rốt lên tới 10.000 đồng/kg trước khi xuất cảng |
Một cơ sở xuất khẩu cà rốt tại Gia Lộc |
Cà rốt Hải Dương đảm bảo chất lượng xuất khẩu giá lên tới 10.000 đồng/kg |
Nguyễn Thu Hằng