Một trong những sự kiện quan trọng diễn ra hồi tháng 6, tại Hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo cam kết không chỉ "đưa biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học vào quá trình quyết định kinh tế, tài chính", mà còn nhấn mạnh sự cần thiết phải "xanh hóa hệ thống tài chính toàn cầu để các quyết định tài chính có tính đến vấn đề biến đổi khí hậu".
Vào tháng 7, Uỷ ban châu Âu đã công bố một chiến lược đầy tham vọng nhằm giúp cải thiện dòng tiền tài trợ cho quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế bền vững.
Theo Bloomberg Green, xu hướng đầu tư bền vững nổi lên từ năm ngoái. Thị trường tài chính đang phát hành nhiều nợ bền vững hơn và các nhà đầu tư đổ nhiều tiền hơn vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) theo tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).
Chỉ sau 6 tháng đầu năm, lượng trái phiếu phát hành liên quan đến ESG nhiều hơn cả năm 2020. Mặc dù vẫn chỉ chiếm một lượng nhỏ so với thị trường trái phiếu tổng thể, nhưng trái phiếu ESG đang nhanh chóng đạt được vị thế của mình. Các quỹ đầu tư nhà nước hiện nay phải phân bổ một tỷ lệ nhất định vào trái phiếu xanh.
Theo dự báo của Bloomberg Green, giá trị phát hành trái phiếu ESG toàn cầu trong năm nay dự kiến đạt mức 1.000 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2020.
Trái phiếu ESG được dự báo tăng vọt trong năm 2021
Sản phẩm trái phiếu liên kết bền vững (Sustainability – Linked Bonds – SLB) sẽ tăng lãi suất cho vay nếu như các doanh nghiệp không đáp ứng được các mục tiêu ESG cũng được kỳ vọng đạt 150 tỷ USD giá trị phát hành trong năm nay.
Theo Citigroup, châu Âu đi đầu về xu hướng ESG trên toàn cầu, chiếm khoảng 26% trái phiếu ESG đã phát hành tính đến hết 6 tháng đầu năm 2021.
Tuy nhiên sự bùng nổ việc phát hành trái phiếu ESG cũng dẫn đến hoài nghi rằng các khoản nợ này có thực sự xanh? Các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về tình trạng "rửa xanh", tức là các khoản nợ không thực sự là ESG mà thay vào đó chỉ được dán nhãn như vậy.
Thị trường nợ ESG tính đến cuối năm 2020
Tại Việt Nam, CTCP Vinpearl, công ty con của Tập đoàn Vingroup vừa cho biết đã chào bán thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu Vingroup (VIC). Theo các tổ chức đồng tư vấn và phát hành, gồm Credit Suisse, HSBC và BNP Paribas, đây là trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu đầu tiên trên thế giới và ghi nhận lượng đăng ký từ nhà đầu tư gần gấp đôi quy mô trái phiếu phát hành. Trái phiếu đáo hạn vào năm 2026, lãi suất 3,25%/năm.
Trong vai trò ngân hàng tư vấn cơ cấu bền vững cho giao dịch, HSBC hỗ trợ Vingroup xây dựng Khung Tài chính Bền vững, bao gồm 6 hạng mục dự án xanh và 2 hạng mục dự án xã hội thuộc các mảng kinh doanh của Tập đoàn. Các hạng mục dự án tiềm năng bao gồm giao thông sạch, công trình xanh, quản lý nước và nước thải bền vững, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu – chăm sóc sức khỏe và nhà ở giá cả hợp lý.
Sustainalytics – công ty chuyên đánh giá độc lập tính bền vững của doanh nghiệp niêm yết – nhận xét Khung Tài chính Bền vững của giao dịch ảnh hưởng tích cực đến môi trường và xã hội.
Khung Tài chính Bền vững của Vingroup