Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tạo bước đệm cho giá tiêu dùng tăng nhanh hơn. Tình trạng hỗn loạn đã làm tăng chi phí sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng và máy móc ở những nơi xa chiến trường.
Xung đột khiến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng nay lại càng khắc nghiệt hơn. Tác động kinh tế đã lan đến từng hộ gia đình trên thế giới, tại các siêu thị, nhà bán lẻ và các cây xăng.
Trong khi phải mất thời gian để giá cả tăng tác động tới nhà sản xuất và người tiêu dùng, các giám đốc điều hành và các nhà phân tích dự đoán hậu quả của chiến tranh sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát, vốn tạo ra bởi sự thiếu hụt hàng hóa và nhân công.
Nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics Kathy Bostjancic cho biết: "Chiến tranh phủ bóng đen lên mọi thứ và đảo ngược sự cải thiện mà chúng ta đang thấy".
Hậu quả trong ngắn hạn là rất nghiêm trọng. Các thị trường ngũ cốc gần đây đã đạt mức cao nhất trong 14 năm qua. Thu hoạch ở Ukraine giảm sẽ làm tăng chi phí cung cấp thức ăn cho gia súc và gia cầm trên thế giới.
Các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng như lo ngại rằng Moscow có thể ngừng xuất khẩu đã khiến giá nhôm tăng. Trong khi đó, Nga nhà cung cấp nhôm lớn, loại kim loại được sử dụng trong lon nước ngọt, máy bay và xây dựng.
Theo dữ liệu từ công ty theo dõi giá GasBuddy, giá dầu thô tăng 25% trong tuần trước, lên hơn 118 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2013. Giá xăng cũng tăng trung bình 43,7 cent/gallon tại Mỹ.
Giá lương thực, kim loại và dầu khí đồng loạt tăng mạnh.
Ngày 4/3, Nga, nhà cung cấp phân bón lớn nhất thế giới như kali và nitơ, cho biết nước này có thể tạm ngừng xuất khẩu. Nông dân và người tiêu thụ sẽ là người phải trả giá nếu thiết hụt kéo dài.
Ingka Group, công ty sở hữu và điều hành các cửa hàng đồ nội thất khổng lồ của IKEA, ngày 3/3 cho biết giá sẽ tăng hơn so với dự kiến. Chiến sự tại Ukraine đang gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng. IKEA cho biết giá sản phẩm trên toàn cầu sẽ tăng khoảng 12% so với ước tính trước đó là 9%.
Một số nhà phân tích và quan chức doanh nghiệp cho biết còn quá sớm để biết chính xác những tác động dài hạn của chiến tranh đối với nền kinh tế toàn cầu. Không phải tất cả đều cho rằng xung đột ở Ukraine có tác động lớn đến chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp phục hồi sau những cuộc xung đột trong quá khứ có thể giảm thiểu tác động bằng cách tìm các nhà cung cấp thay thế ở những khu vực khác.
Tuy nhiên, tình hình bất ổn ở Ukraine đã làm chậm lại quá trình vận chuyển hàng hóa bằng nhiều phương tiện. Nhiều công ty vận tải biển phương Tây đang tránh xa khỏi các cảng biển của Nga. Tuyến đường sắt quan trọng từ châu Á sang châu Âu được sử dụng ít hơn. Phần lớn Biển Đen vẫn không thể tiếp cận và nhiều chuyến bay chở hàng bị cấm hoặc đang tránh không phận Nga.
Giá năng lượng và thực phẩm tăng là những điểm gây áp lực rõ nhất đối với người tiêu dùng. Bà Bostjancic cho biết: "Bây giờ chúng ta đang chứng kiến các mặt hàng khác tăng giá, như nhôm, palađi, đồng. Ở một mức độ nào đó, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến giá tiêu dùng".
Công nhân làm việc trong các lò luyện thép tại nhà máy kim loại ArcelorMittal ở Kryvyi Rih, Ukraine, năm 2019. Ảnh: Bloomberg
Các ngành công nghiệp của Ukraine, bao gồm các nhà sản xuất phụ tùng ô tô, nhà máy bia và nhà máy lọc alumina, đã ngừng sản xuất. Một nhà máy thép khổng lồ thuộc sở hữu của ArcelorMittal SA, một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước, đã đóng cửa ngày 3/3. Điều này cùng với việc các công ty khác đóng cửa và khó khăn trong xuất khẩu của Nga có thể đẩy giá thép tăng cao hơn nữa.
Các công ty sử dụng thép không gỉ và các hợp kim thép chống ăn mòn và chịu nhiệt có chứa niken khác cho biết họ đang chuẩn bị tinh thần cho giá cả tăng và khả năng các lô hàng niken từ Nga bị gián đoạn.
Niken cũng được sử dụng trong pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử tiêu dùng và xe điện. Giá niken tăng lên 29.800 USD/tấn, mức cao nhất trong 14 năm.
Các nhà máy phụ tùng ô tô nhỏ ở Ukraine đã đóng cửa. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt và các tuyến thương mại bị cắt đứt đang cản trở các chuyến hàng ô tô đến và đi từ Nga.
Kiểm tra chất lượng tại nhà máy ô tô Renault ở Moscow. Ảnh: Zuma Press
Từ nông trại đến bàn ăn
Nông dân Ukraine được cho là sẽ sớm gieo trồng vụ xuân. Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc chiến chấm dứt, họ có thể không có đủ phân bón và thuốc trừ sâu. Các chuyên gia đang cảnh báo sản lượng của Ukraine có thể bị sụt giảm.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ukraina lần lượt chiếm 8% và 13% tổng lượng xuất khẩu lúa mì và ngô toàn cầu. Ông Svein Tore Holsether, giám đốc điều hành của một nhà sản xuất phân bón, cho biết: "Đối với một số nơi trên thế giới, điều đó có nghĩa là thực phẩm sẽ tăng giá. Còn với những nơi khác, điều đó liên quan đến vấn đề tiếp cận thực phẩm và là vấn đề sống còn".
Trong tháng qua, giá lúa mì kỳ hạn đã leo lên mức cao nhất trong 14 năm và tăng hơn 40% trong tuần qua. Giá ngô và đậu tương trong tháng qua lần lượt tăng khoảng 21% và 15%.
Chi phí hàng hóa cao có thể làm tăng giá của các mặt hàng chủ lực trong kho như ngũ cốc và dầu ăn, cũng như thịt bò và các loại thịt khác. Bởi vì các nhà sản xuất phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc để làm thức ăn cho gia súc và gia cầm.
Ảnh RT
Giá ngũ cốc và ngô tăng đã gạt đi hy vọng rằng lạm phát sẽ ổn định trong nửa cuối năm nay. Ben Bienvenu, nhà phân tích nghiên cứu kinh doanh nông sản và thực phẩm tại Stephens cho biết các mặt hàng nông sản này được sử dụng trong hầu hết các sản phẩm.
James Halverson, một chủ trang trại ở Beulah, Mỹ, cho biết chi phí thức ăn đã tăng vọt trong tuần qua. Điều này khiến các chủ trang trại tốn nhiều tiền hơn cho gia súc cũng như thương lượng giá với các chủ nhà máy chế biến thịt.
Ông nói nếu giá ngũ cốc tiếp tục tăng cao trong những tháng tới, lợi nhuận ông thu được sẽ giảm xuống. Người mua hàng sẽ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm thịt tại cửa hàng.
Phân bón
Giá lương thực cao có thể liên quan đến giá khí đốt tự nhiên tăng. Đây là một trong những thành phần chính cho phân đạm. Ken Seitz, giám đốc điều hành lâm thời của tập đoàn phân bón khổng lồ Nutrien, cho biết giá khí đốt cao hơn có thể dẫn đến việc các nhà máy ở châu Âu đóng cửa.
Phân lân trong kho bảo quản tại nhà máy phân bón PhosAgro-Cherepovets ở Nga. Ảnh: Bloomberg
Việc vận chuyển phân bón, phần lớn bằng tàu hỏa và tàu thủy, đã gặp nhiều khó khăn kể từ khi xung đột bùng nổ. Một số công ty vận tải biển lớn đã tạm ngừng dịch vụ đến các cảng của Nga.
Nguồn cung phân bón vốn đã khan hiếm, giá lại tăng cao kỷ lục. Điều đó làm tăng áp lực đối với nông dân, những người đang phải trả nhiều hơn cho nhiên liệu, thuốc diệt cỏ, hạt giống và lao động mùa vụ.
Nếu nguồn cung cấp phân bón thiếu hụt hoặc quá đắt, một số nông dân có thể chuyển sang cây trồng sử dụng ít phân bón hơn như đậu tương. Các nhà phân tích cho biết những nông dân khác có thể cắt giảm phân bón, dẫn đến khả năng giảm thu hoạch.
Nutrien, công ty có trụ sở tại Canada, có thể sản xuất nhiều phân kali hơn nếu các vấn đề về nguồn cung toàn cầu vẫn tiếp diễn, ông Seitz nói. Nhưng công ty của ông có thể bị mắc kẹt với lượng hàng tồn nếu các nhà cung cấp Belarus và Nga quay trở lại thị trường.
Theo WSJ