Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ về việc hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và mục tiêu xuất khẩu ô tô Việt ra thế giới.
Từng có những hoài nghi về chiến lược ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, những gì mà các doanh nghiệp làm được năm 2018 đã xóa đi ngờ vực này. Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp 13 của Quốc hội cho thấy ngành ô tô 2 năm gần đây đã phát triển hơn. Cụ thể là những gì, thưa ông?
Ông Phạm Tuấn Anh: Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược “Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, đến nay thị trường đã có sự tham gia tích cực và rộng rãi của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô hiện nay khoảng 600 ngàn xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con, xe tải và xe khách; Một số chủng loại xe đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao như xe tải đến 7 tấn có tỷ lệ nội địa hóa đạt 55%; xe khách từ 24 chỗ ngồi trở lên, tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45 - 55%, cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra cho năm 2020. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ,…
Các doanh nghiệp đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp; tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và phát triển ngành sản xuất – lắp ráp ô tô.
Vinfast được kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Việt Nam và sẽ xuất khẩu xe ô tô ra toàn cầu. |
Năm 2018, sự xuất hiện của “ngôi sao mới” Vinfast đã tạo bất ngờ lớn cho các hãng xe ngoại, tạo nên sự háo hức và sức hút mạnh mẽ trên thị trường. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Châu Á không thiếu các nhà sản xuất xe hơi nổi tiếng. Tuy nhiên, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, các quốc gia khác của lục địa này ít có đại diện của ngành công nghiệp ô tô đến với Paris Motor Show (một trong năm triển lãm ô tô lớn nhất thế giới). VinFast là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên có mặt tại triển lãm này với một chiếc sedan và một chiếc SUV, đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Tôi đánh giá cao các nỗ lực của Vinfast thông qua sự hợp tác với các thương hiệu lớn bao gồm Pininfarina, Bosch, Magna, Siemens hay BMW, để đưa hai sản phẩm của mình đến với sân khấu lớn tại Paris. Tôi mong muốn và kỳ vọng từ trung tâm công nghiệp Hải Phòng, Vinfast sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Việt Nam, các sản phẩm sẽ được thị trường đón nhận và sẽ xuất khẩu xe ô tô ra toàn cầu.
Theo ông, điều lớn nhất mà Vinfast mang đến gì cho nền công nghiệp ô tô Việt Nam là gì?
iều nhìn thấy đầu tiên là nếu Vinfast chính thức đi vào hoạt động theo công suất thiết kế sẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam phát triển. Mỗi xe ô tô có từ 20.000 đến 30.000 chi tiết, linh kiện. Việc Vinfast tuyên bố ưu tiên nội địa hóa với tỷ lệ rất cao sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cung ứng. Mỗi doanh nghiệp sản xuất một vài linh kiện cho Vinfast thôi thì cũng ‘sống khỏe’ và tăng hàm lượng giá trị Việt của xe lên rất nhiều. Dĩ nhiên, để tham gia, sản phẩm của doanh nghiệp hỗ trợ phải đạt tiêu chuẩn cao của Vinfast.
ông nghiệp hỗ trợ Việt Nam không chỉ phục vụ cho Vinfast mà còn có khả năng nâng cao năng lực đạt chuẩn để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Vinfast phát triển sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô phát triển. Ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ kéo theo hàng loạt những ngành khác cùng phát triển, từ các yếu tố liên quan đến đầu vào của công nghiệp ô tô đến các ngành liên quan đến yếu tố đầu ra của ô tô (ví dụ như một phương tiện giao thông).
Ông dự báo ra sao về vị trí công nghiệp ô tô Việt Nam trong tương quan khu vực vài năm tới?
Công nghiệp ô tô thế giới đang do các tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh và chi phối về nghiên cứu và phát triển, công nghệ, thị trường (15 tập đoàn hàng đầu chiếm 82% thị trường ô tô toàn cầu). Các tập đoàn có quy định, thỏa thuận về thị phần, phân khúc cụ thể cho sản xuất và nhập khẩu tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Các tập đoàn sản xuất xe thường hợp tác, sở hữu chéo để tận dụng công nghệ, thị trường và nhà cung cấp để giảm giá thành sản phẩm.
Nhìn chung, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20 - 30%/năm), đến năm 2020, Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines cả về sản xuất và bán hàng.
Tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người, và số xe trung bình/1.000 dân. Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, đây sẽ là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân.
Đến năm 2020, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 450 đến 500 nghìn xe/năm. Năm 2025, dự kiến đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/năm.
Nhìn xa hơn, ông nghĩ gì về tham vọng đưa ô tô Việt ra thế giới?
Với sự chung sức của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, tôi hy vọng trong thời gian tới, công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm thương mại được xuất khẩu ra nước ngoài.
Xin cảm ơn ông!