Ngày 16/9, sau chưa đầy 24 giờ từ khi có ý tưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FPT (MCK: FPT, sàn HoSE) ông Trương Gia Bình đã công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì COVID-19.
Theo đó, FPT cam kết sẽ đào tạo các em liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. Người đứng đầu FPT cho biết, trước mắt, trường sẽ mở tại FPT City Đà Nẵng, nơi có thể nuôi dưỡng, đào tạo các em từ lớp 1 đến 12 và cả Đại học.
"Chúng tôi cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng. Trong quá trình đào tạo đó, chúng tôi muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học", Chủ tịch FPT khẳng định.
Ngôi trường sẽ nằm trong khu đô thị FPT City Đà Nẵng với công viên và quảng trường có mật độ cây xanh lớn.
Trường học được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân để các em rèn luyện kỷ luật, dành nhiều thời gian học hành, phát triển, hòa đồng bạn bè và trở thành những người tài quay lại phục vụ quê hương đất nước.
Theo ông Trương Gia Bình, dịch COVID-19 khiến hàng nghìn người chết, hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người lao động mất việc. Đau thương hơn nữa là hàng nghìn em nhỏ mất cha, mất mẹ.
Chia sẻ trên tờ Vnexpress, ông Bình cho hay, việc mở trường này là có lý do của cá nhân, xuất phát từ tuổi thơ nghèo khó và xa cha mẹ của chính mình.
TRƯƠNG GIA BÌNH LÀ AI?
Ông Trương Gia Bình là một doanh nhân Việt Nam, hiện tại đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và Thành viên Hội đồng sáng lập Công ty CP FPT (Tập đoàn FPT). Bên cạnh đó, ông còn là thành viên HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Vietcombank, thành viên HĐQT CTCP Viễn thông FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Giáo dục FPT, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FOX).
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.
Ngoài ra, ông Trương Gia Bình còn là Phó giáo sư, Tiến sĩ, từng là trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ tịch hội đồng quản trị Đại học FPT; Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng các nhà doanh nghiệp Trẻ Việt Nam (1998-2005) và Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (2017 - nay).
Ông Trương Gia Bình được mệnh danh là "linh hồn", "thuyền trưởng" của FPT, dẫn dắt tập đoàn công nghệ này đi từ con số 0 đạt được những thành tựu như hiện tại.
TIỂU SỬ TRƯƠNG GIA BÌNH
Ông Trương Gia Bình sinh ngày 19/5/1956 trong một gia đình trí thức tại Nghệ An, quê quán Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông chính là con trai của vị bác sĩ nổi tiếng Trương Gia Thọ. Ông sống ở Hà Nội từ năm 2 tuổi tại ngôi nhà ban đầu ở số 91 Thợ Nhuộm và nay đang cư trú tại số 10 Đặng Thai Mai, Tây Hồ.
Thời phổ thông, ông là học sinh chuyên toán tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) và tốt nghiệp khoa Toán cơ, Đại học Tổng hợp Moscow, Nga năm 1979. Bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Moscow năm 1983, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Phó giáo sư năm 1991.
Khi nhận được tấm bằng Tiến sĩ Toán Lý tại Nga, ông Trương Gia Bình quyết định về nước và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học tại Viện khoa học Việt Nam. Sau nhiều năm học tập và nghiên cứu khoa học, năm 1988, ông Bình đã đưa ra quyết định rẽ hướng sang kinh doanh, khi ấy ông 32 tuổi.
SỰ NGHIỆP TRƯƠNG GIA BÌNH
Thời điểm năm 1988, ông cùng với các kỹ sư và nhà khoa học khác thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm, kinh doanh mảng thực phẩm, đồ ăn cho chăn nuôi tại Việt Nam từ số tiền vay mượn của GS Vũ Đình Cự. Công ty này chính là tiền thân của FPT ngày nay.
Ảnh chụp các thành viên sáng lập của Tập đoàn FPT
Nói về cú rẽ ngang mang tính lịch sử thay đổi cuộc đời này, ông chia sẻ, cuộc sống của một nhà khoa học thời điểm đó rất khó khăn, chính bản thân cảm thấy rằng những nghiên cứu đó không giúp được gì cho đất nước mình.
Vậy nên, khi thấy cơ hội ở ngay trước mắt, vị Tiến sĩ gốc Nghệ đã đưa ra quyết định trở thành một doanh nhân dựa trên các mối quan hệ của một nhà khoa học. Thuở mới khởi nghiệp, công ty của ông kinh doanh rất nhiều lĩnh vực từ thức ăn cho lợn đến buôn ô tô, sắt thép…
Khi ấy, trong bối cảnh Việt Nam còn là một nước nông nghiệp nên ông đã định hướng công ty theo hướng phát triển mảng thực phẩm. Công việc kinh doanh thực phẩm, đồ ăn cho chăn nuôi tại Việt Nam của ông dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn phát triển theo xu hướng tốt.
Đến năm 1995, khi nhận thấy những tiềm năng phát triển của lĩnh vực tin học, ông Trương Gia Bình đã quyết định chuyển hướng đầu tư phát triển lĩnh vực công nghệ – viễn thông. Đến năm 2002, công ty của ông đã đổi tên thành Công ty CP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT.
Để tập trung phát triển Công nghệ, FPT rút dần ở mảng thương mại chứ không kết hợp cả hai như thời gian ban đầu.
Từ năm 1988 đến 2002, ông Bình là Giám đốc Công ty FPT, sau đó, chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, ông vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT, là vị "thuyền trưởng" dẫn đầu đưa ra các quyết sách, phương hướng phát triển cho tập đoàn.
Chủ tịch Trương Gia Bình trong một sự kiện của FPT. Ảnh: CT
FPT sau hơn 30 năm xây dựng thì nay đã trở thành một trong những công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam.
Với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là CNTT và Viễn thông, FPT đã cung cấp dịch vụ tới 63/63 tỉnh thành tại Việt Nam và không ngừng mở rộng hoạt động trên thị trường toàn cầu với sự hiện diện tại 19 quốc gia. Sự thành công của FPT ngày hôm nay có công rất lớn của người đứng đầu tập đoàn, ông Trương Gia Bình.
Có thể nhận thấy điều khác biệt nhất của vị doanh nhân này chính là ở xuất phát điểm khi Trương Gia Bình có cuộc đời, sự nghiệp gắn chặt với việc học và làm nghiên cứu khoa học. Ngay cả khi sang nước ngoài du học ông cũng lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học và phải đến năm 32 tuổi, mới bắt đầu những chuỗi ngày khởi nghiệp làm kinh doanh.
Có lẽ vậy nên con đường đi đến thành công như ngày hôm nay của ông cũng khó khăn và vất vả hơn những người cùng thế hệ khác. Với xuất phát điểm đầy khác biệt, ông Bình đã tạo nên một phong cách kinh doanh mang cái "chất" của người trí thức điển hình.
Từng trải qua nhiều sóng gió trên thương trường trong vai trò lãnh đạo của FPT, đến hiện tại khi đã ngoài 60 nhưng ông vẫn thường xuất hiện tại các tọa đàm về khởi nghiệp để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
GIA ĐÌNH TRƯƠNG GIA BÌNH
Ông Trương Gia Bình có người vợ hiện tại là bà Nguyễn Tuyết Mai. Hiện tại bà Mai đang là chủ tịch công ty du lịch Vidotour.
Chị gái của ông Trương Gia Bình là bà Trương Thị Thanh Thanh. Trước khi gia nhập FPT, bà là giảng viên Đại học Tổng hợp Hà và là giảng viên chính Đại học Tổng hợp TP.HCM. Bà là một trong 5 người phụ nữ giàu nhất Việt Nam năm 2012.
Là một doanh nhân nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhưng ông Trương Gia Bình là người khá kín tiếng và không tiết lộ nhiều thông tin về chuyện gia đình cũng như đời tư của mình với truyền thông.
TÀI SẢN TRƯƠNG GIA BÌNH
Tính đến ngày 18/9/2021, với trên 55 triệu cổ phiếu FPT đang nắm giữ cùng 1,1 triệu cổ phiếu TPB khối tài sản của ông Bình hiện có giá trị 5.356 tỷ đồng. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đang đứng thứ 28 trong danh sách những người giàu nhất chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, tại thời điểm 2006, FPT chính thức lên sàn chứng khoán, chỉ mất nửa tháng, FPT đã tăng giá trị cổ phiếu của mình lên gấp 46 lần so với ban đầu. Giá trị của công ty trên thị trường tăng 28 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,75 tỷ USD vào thời điểm đó.
Với khối tài sản khoảng 2.400 tỷ đồng, ông Trương Gia Bình khi ấy đang nắm giữ cùng lúc hai chức vụ là Chủ tịch và Tổng giám đốc FPT đã trở thành người giàu nhất FPT và đồng thời là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Thành tích này cũng giúp ông Trương Gia Bình trở thành người "mở hàng" cho danh hiệu "Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam".
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 tổ chức chiều 8/4, Chủ tịch FPT đã cho biết: "Chúng tôi tự hào có 200 triệu phú đô la khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, nhân viên có được cuộc sống ấm no, lái xe công ty cũng có thể cho con đi du học… Phần lớn lãnh đạo các công ty công nghệ tại Việt Nam xuất thân từ FPT".