Đáng chú ý, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù đã trải qua 4 lần sửa đổi nhưng các quy định tại dự thảo vẫn mang tính “hạn chế” sự phát triển của các loại hình công nghệ mới xuất hiện.
Theo đó, về xe taxi công nghệ là xe hợp đồng hay taxi và có gắn mào, hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ hai phương án.
Trong đó, phương án 1 là xe hợp đồng điện tử như Grab phải có phù hiệu xe hợp đồng điện tử, không phải là xe taxi và không phải gắn mào như xe taxi truyền thống. Phương án 2, theo đề xuất của Hiệp hội taxi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, quy định toàn bộ các phương tiện kinh doanh vận tải có sức chứa dưới 9 chỗ ứng dụng phần mềm tính tiền, phải là xe taxi.
Tuy nhiên, đáng nói, nếu quy định các công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối như Grab hay Uber là đơn vị kinh doanh vận tải sẽ đi ngược lại với xu thế của thế giới. Trong nền kinh tế 4.0, các doanh nghiệp có xu hướng chuyên môn hóa, tập trung đầu tư vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi giá trị, nhằm tìm cách tối đa hóa hiệu quả kinh doanh.
Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Vì vậy, Uber, Grab là đơn vị cung cấp phần mềm, họ không trực tiếp thực hiện hoạt động vận chuyển. Thế mạnh của họ là phát triển công nghệ phần mềm phục vụ kết nối với hành khách và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là ngược với xu hướng chuyên môn hóa.
Hơn thế nữa, ở dự thảo Nghị định lần này, người tiêu dùng có thể thấy một cách tư duy vẫn cũ, đó là “không quản được thì cấm” và thậm chí nếu rắc rối, phức tạp thì cũng cấm luôn. Nói như TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Uber, Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế, chúng ta có thể “quản” được hiện tượng chứ không thể “cản” được một xu thế.
“Ép Grab, Uber vào khuôn của taxi truyền thống là sai lầm. Việc Uber, Grab sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho kinh doanh vận tải, điều hành các phương tiện để vận chuyển hành khách không thể gọi là đơn vị kinh doanh vận tải. Kinh doanh theo kiểu Uber hay Grab là phương thức hoàn toàn mới, sẽ làm thay đổi các quan hệ giao dịch hiện có, tạo ra cân bằng cung, cầu, giúp giảm chi phí, thậm chí đưa chi phí giao dịch về bằng không. Tuy nhiên, các quy định áp đặt từ cơ quan quản lý có thể khiến chi phí của họ tăng thêm và đối tượng chịu thiệt vẫn là người dân”, ông Cung nói.
Quản lý kinh tế chia sẻ thế nào?
Có thể thấy, câu chuyện của Uber hay Grab chỉ là một ví dụ của việc phát triển nền kinh tế chia sẻ mà chưa có hành lang pháp lý bảo vệ những cá thể trong nền kinh tế ấy. Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ và sự kêu gọi của Chính phủ gây dựng một cộng đồng đổi mới sáng tạo, chắc chắn mô hình này sẽ trở nên mở rộng hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, việc vẫn chưa có các quy định về luật pháp nào để đảm bảo hoạt động cho các doanh nghiệp dưới mô hình trên sẽ làm cản trở Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế chia sẻ, đồng thời, những câu chuyện "đơn thương độc mã" sẽ diễn ra không chỉ với các tài xế Grab, Uber mà còn với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề khác.
Từ góc nhìn của mình, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng đã đến lúc các nhà lập chính sách phải nhận ra và chấp nhận sự hình thành và tồn tại của nền kinh tế chia sẻ.
Tương tự, TS Nguyễn Đình Cung, lúc này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải suy nghĩ theo thị trường, sự phát triển của công nghệ và phương thức kinh doanh mới, chứ không phải dùng thủ tục hành chính can thiệp.
“Các doanh nghiệp, hiệp hội và nhà quản lý cần thay đổi tư duy. Những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích, phải chịu rào cản kỹ thuật, nhưng không có nghĩa là triệt tiêu phương thức kinh doanh này. Vì vậy, lúc này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải suy nghĩ theo thị trường, sự phát triển của công nghệ và phương thức kinh doanh mới, chứ không phải dùng thủ tục hành chính can thiệp”, ông Cung nói.