Tại sao lại không nhân dịp dọn nhà và trang hoàng cuối năm để xem xét, chỉnh sửa những gì chưa hoàn thiện, xem đó là cơ hội rà soát phong thủy nhà cửa cho tốt hơn?
Thời điểm cuối năm luôn là dịp mọi người muốn trang hoàng nhà cửa, đón nhận những lời chúc phúc an lành. Nhưng có trang trí ắt phải có dịch chuyển sắp xếp, thay mới đổi cũ… mà đa phần tâm lý gia chủ theo nếp quen xưa nay là ngại xáo trộn. Điều đó dẫn đến thực tế là nhà cửa người Việt lâu nay cứ vào mùa cuối năm cũ đầu năm mới là rộn ràng đèn hoa, nhưng đa số là kiểu dọn dẹp vệ sinh, nâng lên hạ xuống, rồi… đặt lại y như cũ.
Cũng có ý kiến băn khoăn, cho rằng tại sao lại không nhân dịp dọn nhà và trang hoàng cuối năm để xem xét, chỉnh sửa những gì chưa hoàn thiện, xem đó là cơ hội rà soát phong thủy nhà cửa cho tốt hơn?
Để giải quyết các vấn đề này, nguyên tắc “tam tòng” được vận dụng khá linh hoạt, dĩ nhiên không phải kiểu “tam tòng tứ đức” trong lễ giáo ngày xưa, mà chữ “tòng” ở đây là biết tuân theo, thuận lẽ hợp lý của hệ không gian Môn - Táo - Chủ sao cho không nằm ngoài quy luật hài hòa Thiên - Địa - Nhân.
Theo thiên thời, tránh xáo trộn
Vấn đề đặt ra là việc bài trí nhà cửa theo thời điểm cần phải vừa thuận theo yếu tố thiên thời, theo tiết khí, theo thời điểm mà vừa phải đáp ứng nhu cầu về văn hóa và sở thích. Mỗi nhà có gu thẩm mỹ khác nhau sẽ luôn có nhiều phong cách, ý tưởng trang hoàng nhà cửa đón năm mới khác nhau, không thể áp đặt rập khuôn.
Đặc trưng khí hóa thời điểm trước tết Nguyên đán là thời tiết lạnh, thủy khí gia tăng, mộc suy hỏa tàng, nên cần dùng bài trí sao cho giảm dần tính thủy vượng của thiên thời, mà vẫn hợp hình thế nhà cửa, cuộc đất hay căn hộ (địa lợi), đồng thời đảm bảo tính nhân hòa cho các thành viên gia đình và bạn bè quây quần sum vầy đều hài lòng (nhân hòa). Để được “tam tòng theo tam tài” như vậy, câu triết lý “ít là nhiều” trong kiến trúc khá phù hợp, vì các bài trí ít gây xáo trộn nội thất, ít ảnh hưởng kết cấu, ít tốn kém sẽ đem lại hiệu quả nhiều hơn.
Nên quan tâm bù trừ, gia giảm theo nguyên tắc cân bằng âm dương, cụ thể là những vị trí hàng ngày ít đi tới, ít sử dụng, thiếu ánh sáng... sẽ cần dọn dẹp, làm sạch, trang trí thêm để có thể “kích hoạt” nguồn khí trì trệ. Bằng cách xếp đặt kết hợp bổ sung chiếu sáng cho phần âm, và ngược lại, có thể giảm bớt, che chắn các mảng thuần dương khác, nội khí của không gian sống sẽ được điều chỉnh tốt hơn. Ví dụ như nhà có khoảng hiên trước hàng ngày nhiều mưa nắng chói chang, nay có thể đặt khoảng ngồi chơi bằng bộ bàn ghế có dù che, có cây cối trang trí… tạo vùng quây quần bạn bè, như lời chào từ cửa vào đầy thân thiện.
Dụng Ngũ Hành tránh thiên lệch
Xét theo tương quan ngũ hành (sinh - khắc - thừa - vũ) thì mọi nội thất cần hòa trộn đầy đủ các mối quan hệ, tránh thiên lệch. Cách dùng hành khắc chế sẽ phát huy tác dụng, như mùa lạnh cần Hỏa, mùa nóng cần Thủy, nhà đang dùng nhiều Mộc thì nên thêm Kim lấp lánh, Thổ thâm trầm.
Nội thất có nhiều máy móc kim loại thì yếu tố Hỏa (màu đỏ, ánh sáng rực rỡ) cần bổ sung, và cũng nên đặt khúc cây, lò sưởi, thảm mềm... để khắc chế tính Kim khô lạnh. Thị trường bán đồ trang trí hiện nay luôn có đủ các dải màu sắc, chất liệu hợp ngũ hành không gian và ngũ hành bản mệnh của mọi người, hành gì xuất hiện nhiều rồi thì dùng hành tương khắc để hạn chế, tránh để tương thừa, còn nếu thiếu hành gì thì dùng hành tương sinh để kích hoạt.
Vị trí lối vào, tiền sảnh, vùng đệm không gian… là những điểm kích hoạt khí chủ yếu khi trang hoàng nhà cửa; dùng ánh sáng ấm áp, mảng màu nhấn Hỏa, Thổ, phụ kiện trang trí tinh tế… để gia tăng nội khí nhà cửa.
Về ngũ hành cho tiểu cảnh, nếu sắp đặt nhiều yếu tố hành Kim sẽ thích hợp ở hướng tây, bắc và tây bắc; mang tính Thổ thích hợp ở tây nam, đông bắc và trung tâm; mang nhiều Mộc (gỗ, hoa lá…) sẽ thích hợp hơn với hướng đông, đông nam và nam. Ánh sáng vàng ấm áp thuộc Hỏa là yếu tố không thể thiếu.
Riêng với tiểu cảnh có nước chảy tuần hoàn thuộc Thủy thì văn hóa phương Đông lại chỉ ra kinh nghiệm truyền thống là nên đặt tại vị trí ngăn chặn Trực Xung vào nhà (hành lang, cửa chính hay tiền sảnh) và đóng thêm vai trò chiêu tài, có lợi cho các cơ sở làm ăn, không nên đưa Thủy vào sâu nội thất, nhất là dịp cuối năm lạnh lẽo khiến Thủy Vượng dư thừa, ẩm thấp gia tăng.
Khi không gian và màu sắc trong nhà ngả về tối, sẫm màu (tĩnh, âm) thì nên chọn chất liệu trang trí có màu sáng để cân bằng. Ngược lại, nhà thừa ánh sáng, sáng màu thì phải dùng chất liệu trang hoàng bổ sung màu sẫm, ken dày hơn để giảm bớt khí Dương.
Phong thủy nhà Việt xưa nay vốn không câu nệ tôn giáo, tín ngưỡng, luôn hướng đến hài hòa giữa con người và thiên nhiên, nên các cách thức trang hoàng nhà cửa cũng vậy. Mỗi nhà hoàn toàn có thể tạo nên những góc trang hoàng xinh xắn cho mình mà không quá phức tạp, tốn kém, không tạo ra các sai lệch về nội khí cho không gian sống.
Theo Người đô thị