Một gói tư vấn tuyển sinh ĐH kéo dài 5 năm do Công ty Ivy Coach ở TP New York - Mỹ cung cấp có giá lên tới 1,5 triệu USD.
Đặc quyền có thể mua được bằng tiền!
Dịch vụ tư vấn trọn gói hoàn toàn hợp pháp này bắt đầu rèn thí sinh (TS) từ lớp 8, định hướng chọn đúng lớp và chương trình ngoại khóa nhằm giúp các em nổi trội giữa bạn bè. Kế đó là ôn luyện chuyên sâu cho các bài kiểm tra SAT hoặc ACT, rồi kèm cặp chặt chẽ bài luận quan trọng mà TS gửi cho các trường ĐH - theo ông Brian Taylor, Giám đốc quản lý của Công ty Ivy Coach.
"Điều này có bất công không? Phải chăng đặc quyền có thể mua được bằng tiền? Đúng là như vậy nhưng đó là cách thế giới vận hành" - ông Taylor nói với báo The New York Times.
Vụ gian lận tuyển sinh ĐH lớn nhất từng bị truy tố ở Mỹ được các công tố viên liên bang công bố hồi đầu tháng 3-2019 vẫn chưa có hồi kết. Nhiều phụ huynh giàu có bị cáo buộc dính líu vào đường dây chạy trường gây chấn động này đang lần lượt ra đầu thú.
Các thí sinh trong khóa học chuẩn bị cho bài kiểm tra SAT ở New York - Mỹ Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Hệ lụy từ vụ án cũng đổ lên đầu các sinh viên, trong khi những trường ĐH như California hay Nam California đều lên tiếng cam kết trừng phạt bất cứ ai liên quan tới đường dây chạy trường. Cả 2 trường này đều có những huấn luyện viên thể dục nằm trong danh sách 50 người liên quan đã bị truy tố hôm 12-3. Danh sách này có tổng cộng 33 phụ huynh, bên cạnh các huấn luyện viên thể dục và các nhà quản lý ĐH đã bị phanh phui trong đường dây hối lộ và các hoạt động tuyển sinh bất hợp pháp.
Tuy nhiên, giới nhà giàu Mỹ hoàn toàn có thể lựa chọn một canh bạc khác hoàn toàn hợp pháp để con em mình có chỗ trong các trường ĐH hàng đầu. Đó là chọn các lớp học nâng cao, tìm đúng môn thể thao phù hợp, quyên góp cho trường, rồi nhờ tới ngành công nghiệp hàng tỉ USD của các hoạt động luyện thi, sửa bài luận và hướng dẫn viết đơn ứng tuyển khiến các nhà tuyển sinh khó lòng chối từ. Dấn thân vào con đường này, cuộc sống của mỗi học sinh có thể bị nhào nặn, ép khuôn để vừa mắt những người xét duyệt hồ sơ tuyển sinh.
Phụ huynh có thể trả 300 USD cho 1 giờ tư vấn với các chuyên gia tuyển sinh ĐH hoặc đóng góp hàng chục triệu USD cho các trường. Họ hy vọng tìm kiếm sự ưu ái đặc biệt trong nỗ lực giành một suất vào trường ĐH tốp đầu cho con em mình.
"Quà vào cửa" 10 triệu USD
Những hoạt động trên có nguy cơ góp thêm lửa hoài nghi vào nền giáo dục trình độ cao của Mỹ trong thời điểm hoạt động tuyển dụng của các trường danh giá đang bị "soi dưới kính hiển vi", với hàng loạt trường đối mặt các cuộc điều tra liên quan tới hoạt động nhận TS và các chính sách tuyển sinh lâu đời. Nó cũng để lộ câu chuyện các bậc phụ huynh dùng hầu bao để lo liệu một tấm vé cho con cái mình vào trường ĐH.
"Tư vấn ĐH tư nhân gần giống như miền Tây hoang dã" - Alexis Redding, một học giả ngành giáo dục tại ĐH Harvard, chua chát.
Cuộc đua vào trường ĐH đang ngày càng đè nặng sức ép lên các TS và phụ huynh. Những năm gần đây, nhiều trường ĐH ở Mỹ đã bắt đầu thừa nhận điểm số các bài thi đầu vào đơn giản chỉ phản ánh mức độ chịu chi của gia đình cho con em luyện thi. Không quá đặt nặng vào những con số này là một cách để các trường nỗ lực nới rộng cánh cửa cho những TS không kham nổi các gói luyện thi đắt đỏ.
Chi phí để theo đuổi một suất đối đãi đặc biệt ở một trường ĐH đang vượt khỏi tầm với nhiều người, thậm chí cho cả nhà giàu. Theo một số chuyên gia tư vấn ĐH dày dạn kinh nghiệm, khoản đóng góp vào một trường tốp đầu phải không dưới 10 triệu USD thì TS mới mong được để mắt tới.
Chuyên gia tư vấn tuyển sinh Steve Mercer ở California cho biết khoản tiền 10 triệu USD này chỉ mới là "quà vào cửa" và nhiều khi vẫn chưa đủ gây chú ý tới văn phòng tuyển dụng. "Đôi khi bạn phải chịu chi lớn hơn" - ông Mercer nói. Tuy nhiên, sau món quà 10 triệu USD này, không có gì bảo đảm đơn dự tuyển của TS sẽ được nhà trường chấp nhận vô điều kiện.
Chính vì vậy, sự chắc chắn dường như là điều mà các bậc phụ huynh tìm kiếm khi tìm tới đường dây gian lận tuyển sinh mới bị phanh phui của William Rick Singer - chuyên gia tư vấn tuyển sinh ĐH đã thừa nhận các cáo buộc can thiệp quá trình xét tuyển tại nhiều trường ĐH Mỹ, rửa tiền và ngăn cản điều tra. Trước tòa án ở Boston hôm 13-3, Singer mạnh miệng: "Tôi tạo nên sự bảo đảm".
Theo cáo trạng, Singer hứa hẹn đưa các TS lọt qua những khe hẹp xét tuyển bằng tấm vé vận động viên thể thao, với bảng thành tích gian lận hoặc thông qua "danh sách VIP" của trường. Singer cũng cam kết với các phụ huynh rằng con cái họ sẽ đạt điểm ACT không dưới 30 hay điểm SAT không dưới 1.400. Theo giám đốc Ivy Coach, việc hứa hẹn chắc suất vào một trường ĐH cụ thể nào đó là điều mà các chuyên gia tư vấn đúng luật không bao giờ đưa ra, dù họ có được trả bao nhiêu tiền hay các bậc phụ huynh sẵn lòng đổ tiền quyên góp tới mức nào.
Doanh thu hàng tỉ USD
GS Alexis Redding lo ngại rằng bê bối gian lận thi tuyển mới bị phanh phui có thể gây ra cái nhìn tiêu cực đối với ngành tư vấn tuyển sinh Mỹ. Ngành công nghiệp tư vấn giáo dục tại Mỹ quy tụ hàng chục ngàn lao động tham gia, trợ giúp cho cả học sinh lẫn nhà trường. Theo nghiên cứu của IBISWorld, ước tính doanh thu hằng năm của lĩnh vực này lên tới 1,9 tỉ USD. Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tuyển sinh ĐH quốc gia (NACAC) Stehanie Niles cho rằng vụ bê bối vừa bị vạch trần chỉ là "phản ứng cực đoan đối với việc biến quá trình xét tuyển ĐH thành một loại hàng hóa dịch vụ".
Theo NACAC, các dịch vụ tư vấn tư nhân nở rộ một phần xuất phát từ tình trạng thiếu hụt các chuyên gia tư vấn ở trường công. Trong năm học 2015-2016, mỗi tư vấn viên trường công phải phụ trách trung bình 470 học sinh.