Tung tin đồn, "thổi" giá đất
Truyền thông đưa tin vùng ven huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng dậy sóng vì cò đất. Đất ao, ruộng lúa hay bãi cỏ, bụi tre... được hét giá lên đến cả tỷ đồng. Lô đất 100 m2 có giá khoảng 200 triệu đồng nhưng nay được mua đi bán lại đến 1 tỷ đồng, gấp 5 lần giá thực tế. Thấy đất được giá, nhiều người đã lấp cả ao, san đất ruộng, bán cả bụi tre...
Chia sẻ với báo chí, ông Ngô Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang - khẳng định trên địa bàn xã có xảy ra cơn sốt đất do "cò" đất tạo ra. Những người hành nghề môi giới, "cò" đất tự tung tin có dự án trên địa bàn, rồi lân la tới khu vực, giả vờ nói chuyện với nhau về thông tin đất tăng giá. Từ đó, họ đẩy giá đất thực tế lên cao.
Trước tình hình nóng sốt đất đai, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng mới đây đã phải ra văn bản bác bỏ tin đồn TP Đà Nẵng tách huyện Hòa Vang thành hai đơn vị hành chính vào cuối năm nay. Thông tin không chính xác này được cho là nhằm "thổi" giá đất, lừa đảo, trục lợi.
Đất Đà Nẵng sốt ảo. Ảnh: Báo ĐN
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cũng cảnh báo người dân thận trọng trong việc mua bán đất. Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở vì sau này sẽ không còn đất để sản xuất, đất ở cho con cháu, đất làm nhà, ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài.
Vụ việc sốt đất cục bộ ở Đà Nẵng vì tin đồn, vì cò đất hét giá… không còn quá mới mẻ với thị trường. Trước đó vào năm 2018, nhiều cơn sốt đất cũng bùng lên ở các khu vực giáp ranh TP HCM, Hà Nội, đến chuyện từ các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Cảnh tượng mua đất như mua rau, "cò" kiếm 9 tỷ trong 3 tháng ... được thuật lại khiến nhiều người dám không tin vì con số quá lớn.
Câu chuyện con khỉ
Trong kinh doanh, một câu chuyện được không ít người truyền tai nhau như bài học nằm lòng.
Chuyện kể trên hòn đảo nọ có ngôi làng khá giả, người dân chăm lo làm ăn, buôn bán. Tuy nhiên, khu làng lại có rất nhiều khỉ vây quanh, thi thoảng lại phá hại nông sản.
Một ngày kia, vị thương gia giàu có đến thăm đảo và nhận thấy nơi đây có khá nhiều khỉ. Ông ngỏ ý muốn lập công ty thu mua khỉ và xây dựng trang trại thật lớn trên đảo. Vì vậy, ông thông báo sẽ mua khỉ với giá 20 đồng/con.
Ảnh minh họa.
Điều này thật là tuyệt vời với người dân trên đảo, 20 đồng gấp 10 lần giá chiếc tivi, 5 lần chiếc xe máy. Vì vậy, mọi người đổ dồn đi bắt khỉ đem bán lại cho vị thương gia. Con khỉ cũng trở thành đề tài bàn tán khắp thôn làng, mặc dù trước đây nó là động vật khiến người ta khó chịu.
Khi số lượng khỉ giảm, việc tìm bắt gặp khó khăn, ông quyết định nâng giá mua lên gấp đôi, tức 40 đồng/con. Mọi người trong làng lại hăng hái đi tìm bắt khỉ.
Số khỉ cạn kiệt cần, thương gia tăng giá khỉ lên 50 đồng, rồi 60 đồng, 70 đồng/con mà lượng khỉ mua vào ngày càng ít đi.
Cùng lúc giá khỉ tăng chóng mặt, người dân trên đảo mới nghĩ ra cách là xây chuồng trại giữ khỉ, chờ giá cao hơn chứ không bán ngay lập tức cho thương gia kia nữa. Đến lúc này, vị thương gia mới nói sẽ vào đất liền có việc quan trọng cần làm và để cậu giúp việc ở lại tiếp tục thu mua khỉ.
Khi ông đi rồi, người giúp việc đem hết tất cả số khỉ đang có bán lại cho dân làng giá 35 đồng/con và xúi mọi người đợi ông chủ quay lại để bán 70 đồng/con. Dân làng mừng rỡ tranh nhau mua, nhốt vào chuồng, đợi cơ hội lãi 35 đồng mỗi con. Nhưng người làng cứ chờ, chờ mãi, không còn ai thấy ông ta quay lại nữa.
Hiển nhiên, thương gia đã dùng chiêu đầu cơ lừa được cả làng và ăn chênh lệch 15 đồng mỗi con. Cả làng mất tiền và khỉ thì vẫn nguyên trên đảo, y như việc mua bán đất lúc sốt ảo vậy.
Đầu tư là hoạt động dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng, hứa hẹn sự an toàn của vốn và mang lại phần lời lãi thoả đáng. Các hoạt động không đáp ứng được yêu cầu đó chỉ là hoạt động đầu tư.