Những ngày dư luận ồn ào vì cuộc ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" - ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhiều người lại nghĩ đến câu chuyện tương tự nhưng xảy ra hơn chục năm về trước. Cũng là hai vợ chồng đồng cam cộng khổ với nhau từ lúc khốn khó, cũng có vài ba mặt con, nhưng sau 20 năm bên nhau họ lại đôi người đôi ngả.
Câu chuyện ấy chính là câu chuyện của thương hiệu bánh đình đám một thời ở Sài Thành: Đức Phát.
Thành lập năm 1984, Đức Phát là kết quả từ cố gắng không ngừng của vợ chồng ông Kao Siêu Lực và bà Dư Đức Phát. Tên thương hiệu được lấy từ tên người vợ với mong muốn "lấy đức để phát".
Ban đầu Đức Phát chỉ bán bánh bông lan nhưng sau đó ông Kao Siêu Lực đã tự mày mò, tìm hiểu công thức để làm ra những loại bánh mới. Lần lượt bánh mì ngọt croissant của Pháp, bánh dừa lưới, sau này là bánh mỳ và các dòng bánh đóng gói được ra mắt và nhanh chóng chiếm trọn tình cảm của người Sài Gòn bởi hương vị tươi ngon cùng giá thành hợp lý.
Đặc biệt, sự phối hợp ăn ý của hai vợ chồng, một người lo sản xuất, một người quản lý tài chính đã đẩy thương hiệu Đức Phát ngày càng đi đi xa hơn nữa.
"Bà ấy là Văn - ngồi trong văn phòng, chịu trách nhiệm về tài chính. Tôi là Võ - đi "đánh" thiên hạ. Sổ sách, tiền bạc toàn bộ một tay bà ấy quản lý", ông Kao Siêu Lực từng chia sẻ như vậy trong một sự kiện tổ chức hồi đầu năm 2019.
Tuy nhiên, những rạn nứt trong hôn nhân bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên trầm trọng. Năm 2005 hai người chính thức ra tòa, chấm dứt cuộc hôn nhân sau hơn 20 năm chung sống.
Ngày ra tòa, hai vợ chồng thỏa thuận sẽ tự chia tài sản; tòa chỉ xử việc phân chia thương hiệu. Ông bà chủ Đức Phát đồng ý chia đôi mỗi người 10 cửa hàng, nhưng thương hiệu Đức Phát thì hơi khó. Vợ ông đề nghị chia thành Đức Phát 1, Đức Phát 2. Nhưng ông Lực quyết định chọn cho mình tên thương hiệu là Đức Phát-Vina Bread.
Tuy nhiên, sự phân chia này không ổn, vì hệ thống nhận diện của 2 thương hiệu có quá nhiều điểm trùng lắp. Nếu một bên kinh doanh không tốt, bên còn lại chắc chắc bị ảnh hưởng do người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn. Cuối cùng, hai bên thỏa thuận chỉ một người giữ thương hiệu Đức Phát và phía nhận phải trả cho phía mất thương hiệu 1 triệu USD.
Sau khi suy tính, bà chủ Đức Phát đồng ý trả 1 triệu USD và giữ lại thương hiệu. Còn với ông Lực, 1 triệu USD là số vốn kha khá để khởi nghiệp lại.
Bắt đầu từ nơi kết thúc
Dù hôn nhân tan vỡ những rất may, cả 3 người con đều chọn đi theo cha. Chính con cái là động lực để Kao Siêu Lực đứng lên, xây dựng một thương hiệu mới của riêng mình. Đó chính là ABC Bakery, viết tắt từ Asia Bakery Confectionery (doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Á Châu).
Hình ảnh 3 chữ cái viết xéo, màu sắc sặc sỡ dễ cuốn hút đối tượng khách hàng nhỏ tuổi, nhưng quan trọng hơn, đây cũng là chữ cái ghép từ tên tiếng Anh của ba người con: Anglela (con gái thứ Kao Huy Minh); Bruce (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (con gái đầu Kao Huy Phương).
Doanh nhân Kao Siêu Lực cùng các con.
"15 năm trước, tôi rớt nước mắt từ bỏ thương hiệu Đức Phát, y hệt người ta bỏ đứa con của mình. Nhưng 3 đứa con đều theo cha hết. Có thể tới 95% trong các cuộc ly dị, con cái sẽ theo mẹ nhưng tôi nằm trong 5% còn lại", ông Lực tâm sự.
"15 năm trước đây, người ta đâu biết ABC là cái gì, hoàn toàn xa lạ. Nhưng tôi phải cho bản thân một động lực, một tay tôi đưa Đức Phát lên thì giờ cũng đưa ABC lên được".
Với số vốn 1 triệu USD, ông đầu tư xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu mới và xây thêm 6 cửa hàng, đồng thời nhập thêm máy móc hiện đại về sản xuất. Ông xác định "phải lấy chất lượng làm đầu, có thương hiệu xong xuôi mà không có chất lượng thì cũng thất bại".
Từng bước, từng bước, Kao Siêu Lực dần tìm lại hào quang một thời. Mùa trung thu năm 2007, ABC hợp tác với Walt Disney, in hình những nhân vật hoạt hình nổi tiếng của hãng này lên từng chiếc bánh. Kết quả là hơn 400.000 bánh Trung thu ABC được bán hết sạch.
Khoảng 2008, 2009 khi các thương hiệu nước ngoài đến Việt Nam, họ đều tin tưởng chọn ABC làm đối tác nhờ yếu tố chất lượng đảm bảo và sự ấn tượng trước hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại. Kao Siêu Lực chia sẻ đầy tự hào rằng thương hiệu của ông đã trở thành nhà cung cấp cho chuỗi thức ăn nhanh quốc tế McDonald's, Burger King, Lotteria, Dunkin Donuts; các chuỗi cà phê như Starbucks, The Coffee Beans & Tea Leaf và cả những siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tiếng như Aeon, FamilyMart, Circle K,...
Đến nay ABC Bakery đã phát triển tới 35 cửa hàng, 4 xưởng bánh, được khách hàng ngày càng ưa chuộng. Trong khi đó theo thống kê trên deliveryNow, Đức Phát hiện nay chỉ còn 7 cơ sở tại TPHCM.