Phát biểu tại Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam, ông Hùng cho biết đã mất 7 năm để xây dựng thương hiệu chanh leo Việt Nam.
"Từ chỗ 10 năm trước chưa có tên, người ta chỉ biết đến chanh leo Nam Mỹ thì nay, Việt Nam đã có loại quả này cho riêng mình và đã có thể xuất khẩu quả tươi đi châu Âu và các nước. Chanh leo được đánh giá là loại quả đắt nhất thế giới. Ở Thuỵ Sỹ, giá 1kg là 17 euro", ông nói.
Forbes Việt Nam cho biết chanh leo là loại quả không dễ trồng và thu hoạch. Loại quả này phải hái lúc khô hoàn toàn, nếu dính một chút nước, khi xếp vào hộp, chanh sẽ nhanh chóng bị hỏng. Mặt khác, kể cả thu hoạch đúng theo quy trình chuẩn, thời gian bảo quản của loại quả này cũng chỉ khoảng 15 ngày trong nhiệt độ mát.
Đối với Nafoods, loại quả này gần đây đã được xuất khẩu sang châu Âu, được xem là bước tiến lớn. Công ty hiện đang bảo quản bằng công nghệ bọc màng sáp từng quả, nhờ đó kéo dài thời gian lên gần gấp đôi, khoảng 33 ngày. Khoảng thời gian này cũng chỉ vừa đủ để chanh leo xuất khẩu qua đường hàng không sang Pháp, Thuỵ Sỹ.
Phía công ty cũng đang tìm cách hạ chi phí bằng cách tăng bảo quản chanh leo tươi, kéo dài từ 45 – 60 ngày để vận chuyển bằng đường thuỷ hoặc kết hợp đường thuỷ và hàng không.
"Chanh leo tương lai có thể thành công và nổi tiếng như kiwi của New Zealand đã từng", ông Hùng nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm của Nafoods, ông Hùng cho rằng với nông sản Việt Nam có hai vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất là thị trường, mà ở đó, một mặt ông đặc biệt lưu ý đến thị trường Trung Quốc, mặt khác, ông cho rằng cần phải liên tục tìm kiếm cơ hội tiềm năng khác.
Thứ hai là vấn đề nguyên liệu đầu vào đảm bảo. Năm 2018, Nafoods đã ký thoả thuận với 13 tỉnh với diện tích canh tác lên đến 70.000 ha cho 5 loại cây ăn quả chủ lực gồm: chanh leo, thanh long, dừa, các loại quả có múi và bơ.
Hai vấn đề này được ông nhấn mạnh là phải làm đồng thời với nhau.
Trước sự có mặt của Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng nhiều lãnh đạo Bộ ngành khác, Chủ tịch Nafoods cũng đề nghị giải quyết một số khâu, được xem là vướng mắc cho các doanh nghiệp trong ngành.
Đầu tiên, đối với câu chuyện thị trường ông cho rằng hoạt động xúc tiến thương mại cần sự kết hợp chặt và mạnh mẽ hơn giữa các đơn vị có liên quan.
"Chúng ta cần tập trung vào các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, vốn chiếm 70 – 80% xuất khẩu", ông Hùng nói. Và khi thị trường này đã mở cửa, các loại nông sản, trái cây Việt phải được tập trung chọn lọc và hành động quyết liệt.
Nhắc lại kỷ niệm với trái chanh leo, ông Hùng cho biết dù thị trường Trung Quốc mở với loại quả này nhưng ông cũng phải xuất khẩu tiểu ngạch qua Thái Lan trước với "1 xe chanh mất 5 triệu đồng".
Tiếp theo, đối với vùng nguyên liệu an toàn, ông Hùng nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng. Ông nói rằng việc phát triển không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp, mà trong tổng thể dài hạn, phải giúp cho bà con nông dân quyết tâm bám trụ cùng. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến vấn đề phát triển nhà máy sản xuất gắn với vùng trồng, tránh cạnh tranh không lành mạnh.
Đại diện Nafoods cũng đề cập đến là hiệp hội. Nói thẳng, ông cho biết hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam làm chưa tốt so với các nước khác. "Tôi cho rằng phải cấu trúc lại hiệp hội, phải có tiếng nói chung", ông đề nghị.
Một vấn đề khác nữa là logistics. Hiện chi phí vận chuyển của Việt Nam rất cao khiến hàng hoá mất đi lợi thế. Ông đề xuất các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp, cần phải tìm ra cách thức để rau củ quả Việt Nam được vận chuyển đi với giá hợp lý, có thể cạnh tranh với hàng hoá thế giới.