Nhiều người lấy lý do đồng tiền có nguy cơ lạm phát để đầu tư tài chính, đặc biệt là sử dụng mạnh đòn bẩy tài chính để kỳ vọng sinh lời. Đó là tâm lý nhà đầu tư ở 2021 và gần đây, khi yếu tố lạm phát xuất hiện ngày càng rõ.
Ngay đầu 2022, "sóng" đầu tư nhà đất vẫn tiếp tục nóng (ảnh: Trên mạng xã hội facebook xuất hiện clip ghi lại cảnh một nhóm môi giới bất động sản dựng rạp bán đất với sự tham gia của hàng trăm người như đi “trẩy hội” tại Bình Phước ngày 21/2)
Diễn biến của tâm lý và dòng tiền phác thảo qua các giai đoạn
Nhưng từ 2020 - nay, trên thực tế, dòng tiền vào đất và chứng có sự xoay vòng, múa may của bộ ba Ngân hàng - Công ty CK - Công ty bất động sản (BĐS). Điều đó khác hẳn trước đây.
Những năm gian khổ cực kỳ khắc nghiệp 1980, dù làm ăn bị cấm đoán, nhưng mọi người vẫn cố tìm vốn để làm ăn bươn chải đủ mọi nghề sản xuất kinh doanh....
Thập niên 1995 - 2005, phát triển kinh tế thị trường, mọi người càng nỗ lực xoay vốn kinh doanh, doanh nghiệp nở rộ khắp nơi.
Tới năm 2000 chứng khoán mở ra kênh làm giàu "nhanh và dễ", mọi người kéo vào và nhiều người bị thua lỗ nặng. Còn từ 2005 với thị trường căn hộ tiên phong, sau đó là dự án nhà phố đất nền, mọi người lại dễ dàng kiếm tiền nhanh và lớn, vốn lại đổ vào cực mạnh cho đến lúc bị xiết vào năm 2011, kẹt nặng vào 2012 - 2013, nhiều đại gia nhà đất bị sụp, một số ngân hàng còn giá 0 đồng.
Từ 2015 - 2019, phục hồi kinh tế, doanh nghiệp ngành nghề phát triển mạnh trở lại, các khu công nghiệp mở mới, du lịch tăng mạnh đem lại nguồn tiền và việc làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại dịch vụ. Nhưng BĐS cũng trỗi dậy từ bệ đỡ các gói kích cầu nhà ở 2014 - 2015, và chứng khoán cũng tăng theo với mức đỉnh 2017...
Dịch COVID -19 trong 2 năm 2020 - 2021 làm suy sụp nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh và thu nhập mọi người co hẹp; nhưng lại mở ra kênh kiếm lời hấp dẫn từ BĐS và chứng khoán với 2 lý do chính đáng: Làm ăn khó khăn và lạm phát nên dòng tiền khư trú vào tài sản an toàn, đó là cổ phiếu, trái phiếu và đất. Các chuyên gia kinh tế thì lo lắng khi giá đất 2020 - 2021 tăng vọt không có bản chất từ lợi nhuận sản xuất kinh doanh (giá trị gia tăng) chuyển qua, hay từ đầu tư công lớn mở đường xá, mà lại do nhiều nhà đầu tư cá nhân bỏ vào và vay ngân hàng. Điều đó nếu cứ tiếp diễn sẽ đến lúc đóng băng, vì khi giá đất lên đến mức cao nào đó, ai cũng ôm đất hết rồi (và vay thêm một phần ngân hàng), thì tiền đâu mua tiếp trừ khi bán được giá cho người khác, mà ai cũng nhiều đất chứ không còn tiền, vì họ đâu bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh mà có lời rút ra ? Nhưng tiền đâu để đất tăng, chứng khoán tăng là một câu hỏi, khi từ doanh nghiệp đến người lao động đều bị khó khăn trong hai năm qua, và bây giờ còn đang nỗ lực phục hồi?
Năm 2020, tôi có nhận định: Lãi suất huy động và cho vay giảm về mức thấp kỷ lục sẽ tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực. Nhưng cơ hội tất nhiên luôn không dành cho tất cả. Về mặt nguyên tắc chung, việc hạ lãi suất có mục tiêu chính là kích thích nền kinh tế, doanh nghiệp có cơ hội vay vốn giá rẻ để phục hồi kinh doanh và mở mang hoạt động. Ở phía ngân hàng, mặc dù tín dụng chưa tăng trưởng như kỳ vọng, và các ngân hàng đã phải hạ lãi suất cho vay về mức rất thấp, chấp nhận giảm lợi nhuận để đạt mục tiêu ra vốn. Song ngân hàng vẫn lựa chọn chỉ giải ngân vốn an toàn. Các khoản vay có thế chấp bất động sản trị giá sẽ được ưu tiên tiếp cận vốn tốt hơn. Và theo đó, ngân hàng vẫn muốn cho vay mạnh nhất là khu vực bất động sản.
Còn năm 2021, với nhiều nhà đầu tư tin tưởng đổ tiền mạnh vào TTCK và tìm kiếm cả các cơ hội đầu tư bất động sản “siêu lời”, đó là đồng tiền đang và sẽ chịu lạm phát, đó là lý do không phù hợp. Lý do đồng tiền có nguy cơ lạm phát để đầu tư tài chính, đặc biệt là sử dụng mạnh đòn bẩy tài chính để kỳ vọng sinh lời. Bởi khi nhà đầu tư sử dụng vốn vay để đầu tư, thì nếu lạm phát thực xảy ra, lãi suất cho vay và huy động đều sẽ tăng cao, lúc đó kỳ vọng sinh lời của nhà đầu tư không chỉ rủi ro mà còn có thể không xảy ra, không “bao” được lạm phát; người thiệt hại và gánh chịu áp lực chính vẫn sẽ là người vay, như các trường hợp đã xảy ra giai đoạn 2012-2013.
Qua vụ bắt nhóm Công ty Tân Hoàng Minh với 9 lô trái phiếu hơn 10.000 tỷ đồng có dấu hiệu xoay vòng vào đất, chứng khoán, mở rộng hơn là 700.000 ngàn tỷ trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 2 năm 2020 - 2021, trong đó trên 60% là do ngân hàng mua, mới thấy dòng tiền vào đất và chứng có sự xoay vòng, múa may của bộ ba Ngân hàng - Công ty CK - Công ty BĐS (và nhóm đầu tư cá voi sát thủ). Nhóm này đã mua - đẩy tạo sóng tăng giá cho đất và chứng lên tầm cao mới.
Nghịch lý của dòng tiền, nghịch lý của thị trường
Dòng tiền lười là dòng tiền tìm cái dễ làm, không mất sức, không cần chuyên môn cao và đội ngũ hợp tác như trong sản xuất, mà chỉ cần một cú xuống tay chốt cọc trong mua đất, và click chuột trong mua chứng rồi chờ tăng giá. Cái tham ở đây là thích lời nhanh, lời lớn, một vốn bốn lời, chứ không tìm cái lợi nhuận hợp lý từ giá trị gia tăng.
Nhà đầu tư tăng lượng mở mới tài khoản đột biến là điều tích cực trong bước phát triển của thị trường vốn, song lượng có đi cùng chất? (ảnh minh họa)
Dòng tiền lười và tham sẽ đi về đâu? Thực tế, nó cũng có thể giúp một số cá nhân khôn lanh kiếm tiền lớn, nhưng sẽ làm nhiều nhà đầu tư nghiệp dư, còn gọi là F0 sẽ phải gặp cảnh mất tiền khi các yếu tố bơm - thổi bị chặt, và như tôi từng cảnh báo, sẽ xuất hiện những đợt sóng "cạo lông cừu". Cho đến khi thua lỗ, mọi người vẫn không hiểu sao mình lại thua lỗ dù các khoản đầu tư chứng khoán và nhà đất của mình rất tốt (!).
Hiện nay Chính phủ đã siết dòng tiền tín dụng và trái phiếu vào bất động sản, bảo vệ hệ thống tài chính, làm an toàn hệ thống NHTM, bảo vệ nhà đầu tư với các biện pháp ổn định, phát triển dài hạn cho thị trường. Vậy, giá chứng khoán và nhà đất sẽ như thế nào?
Nói nếu giá đất 2020 - 2021 tăng vì nhà đầu tư cá nhân tự lựa chọn khư trú vào đất để tránh lạm phát thì giá đất sẽ không giảm, thậm chí tăng. Nhưng nếu giá đất tăng chủ yếu do dòng tiền bơm thổi từ bộ 3 nêu trên, thì nó sẽ phải giảm theo mức hợp lý.
Với chứng khoán, có thể đưa ra nhận định thị trường khi thời gian qua, những công ty ít tín nhiệm, thậm chí không được xem là đàng hoàng, làm ăn không có gì đột biến, nhưng giá cổ phiếu trong năm 2021lại tăng dựng đứng, P/E ở mức rất cao. Nghịch lý là trong khi chê tiền gửi ngân hàng lãi suất 6- 7% là quá thấp song lại sẵn sàng, ưa thích vào các cty có P/E trên 20 để kiếm lời cao...
Một nghịch lý nữa có thể thấy là như trường hợp VNM (Vinamilk) một doanh nghiệp kinh doanh tốt trong đại dịch do nhu cầu người dân, một công ty hàng đầu về thương hiệu và độ vững chắc, nhưng giá thì giảm suốt năm, và P/E thấp hơn P/E bình quân thị trường.