Vào tháng 7 năm ngoái, theo thống kê, lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Facebook đạt 3,03 tỷ người, tương đương hơn một phần ba dân số thế giới. Nếu tính toàn bộ hệ sinh thái ứng dụng của Meta, WhatsApp, Instagram, Messenger và Threads có gần 4 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Chỉ với số liệu ấy đủ thấy thế giới phụ thuộc ra sao vào Facebook nói riêng. Nói về khía cạnh kinh tế, Facebook và Messenger chính là cửa hàng bán hàng thương mại điện tử thiết yếu cho hàng chục triệu doanh nghiệp, cả lớn và nhỏ.
Chính vì sự phụ thuộc ấy, mỗi khi Facebook và Messenger gặp sự cố, thiệt hại đối với doanh nghiệp thương mại điện tử, người kinh doanh online là rất lớn. Mà trong quá khứ, mạng xã hội được cho là có ảnh hưởng bậc nhất thế giới này đã không ít lần "sập".
Vụ Facebook và Messenger không thể kết nối toàn cầu diễn ra đêm qua 22h20, 5/3 (theo giờ Việt Nam) là lần thứ 3 trong 5 năm qua ứng dụng này gặp sự cố. Dù tình hình trở lại bình thường sau 1 tiếng đồng hồ nhưng chắc chắn thiệt hại với doanh nghiệp thương mại điện tử, người kinh doanh online không hề nhỏ. Ngay cả, công ty mẹ Meta cũng lập tức giảm cổ phiếu 2%, vốn hoá giảm khoảng 20 tỷ USD, còn chính khối tài sản ròng của Mark Zuckerberg giảm khoảng 1,37%, tương đương với số tiền khoảng 2,4 tỷ USD.
Trước đó, các sự cố kéo dài hơn như năm 2021, Facebook cũng gặp lỗi tương tự khi hàng loạt dịch vụ của công ty không thể truy cập trên mọi nền tảng và ở nhiều khu vực toàn cầu, kéo dài trong suốt 6 tiếng đồng hồ. Khi đó, đơn vị chủ quản cho biết vấn đề xảy ra do "lỗi cấu hình" trên hệ thống. Năm 2019, phiên bản web của Facebook cũng mất kết nối trong 24 tiếng.
Trở lại câu chuyện Facebook gặp sự cố, và nỗi lo đối với doanh nghiệp thương mại điện tử, người kinh doanh online.
Trang tin Mashable dẫn số liệu từ Tổ chức giám sát quyền trực tuyến và quản trị Internet NetBlocks, ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 160 triệu USD mỗi giờ khi Facebook, Instagram và WhatsApp ngừng hoạt động.
Lucy Jeffrey, người sáng lập một hãng bán lẻ tất sợi tre chia sẻ: "Doanh số bán hàng của chúng tôi chỉ bằng 1/4 so với bình thường khi sự cố xảy ra. Tôi cảm thấy lo lắng về mức độ phụ thuộc vào nền tảng này trong hoạt động kinh doanh. Tôi có thể cần phải xem xét lại, tất cả ngân sách tiếp thị của tôi đều đổ vào Facebook".
"Công việc kinh doanh của chúng tôi rơi vào bế tắc", Lydia Mutune, chủ một cửa hàng cây cảnh ở Nairobi chuyên buôn bán trên Facebook và Instagram, chia sẻ. "Đó là một lời cảnh tỉnh, giúp tôi nhận ra công việc kinh doanh của tôi và cuộc sống của chúng ta đang hoàn toàn phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội như thế nào".
Tại Ấn Độ, Brazil và nhiều quốc gia khác, WhatsApp quan trọng với các hoạt động xã hội đến mức các nhà quản lý xem đây như "tiện ích", theo Parminder Jeet Singh, giám đốc điều hành của IT for Change, tổ chức phi lợi nhuận về công nghệ ở Bengaluru, Ấn Độ.
Tại Mỹ Latinh, các ứng dụng của Facebook đã trở thành "phao cứu sinh" cho những vùng nông thôn, nơi dịch vụ điện thoại còn hạn chế hoặc người dân không đủ khả năng chi trả cước phí điện thoại đắt đỏ, nhưng có thể truy cập Internet miễn phí.
Với những người sử dụng mạng xã hội để kết nối bạn bè, người thân và để giải trí thì sự cố "sập" mạng xã hội Facebook có lẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, với những người kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội thì đây lại là vấn đề đáng lo lắng, bởi hệ thống kinh doanh, dữ liệu sản phẩm, dữ liệu khách hàng dựa trên nền tảng mạng xã hội Facebook thường rất lớn.
Chị Nguyễn Hồng Nhung, kinh doanh mỹ phẩm online ở Hà Nội, chia sẻ: "Công ty chúng tôi hoạt động thương mại trên nền tảng mạng xã hội Facebook khá mạnh. Chỉ mong sao sự cố sẽ sớm được khắc phục, để không gây thiệt hại tới hoạt động kinh doanh online của chúng tôi".
Sự cố xảy ra đêm qua vào khoảng 22h20, 5/3, đó là thời điểm mà nhiều người kinh doanh online vẫn miệt mài livestream, và việc phiên livestream bị đứt giữa chừng đã ảnh hưởng lớn tới việc chốt đơn. "Thông thường, tôi bắt đầu phiên livestream bán quần áo vào 22h hàng ngày. Tuy nhiên không phải bắt đầu livestream là chốt đơn mà có khi sau khoảng 15-20 phút, lượng người dùng (hay còn gọi là mắt xem) mới tăng. Đột nhiên Facebook mất kết nối và coi như một ngày tôi thất thu doanh số bởi để chuẩn bị cho mỗi phiên livestream tốn không ít thời gian", chị Thu Phượng nói.
Đối với những doanh nghiệp nhỏ, tác động của sự cố Facebook "sập" chắc chắn sẽ lan xuống rất rõ. Mức độ tương tác và lưu lượng truy cập giảm, doanh số bán hàng của họ bị ảnh hưởng trực tiếp khi các kênh truyền thông xã hội bị gián đoạn.
Chị Minh Thuỳ, chủ cửa hàng kinh doanh mặt hàng gia dụng ở Thanh Hoá, cho biết: "Chúng tôi kinh doanh online là chủ yếu, trong đó phụ thuộc khá nhiều vào fanpage trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Từ các mẫu mã sản phẩm, đơn giá, cho đến tệp thông tin khách hàng đăng ký theo dõi kênh cũng lên tới hàng trăm nghìn người. Giờ mà không khôi phục được fanpage, đồng nghĩa với các thông tin dữ liệu đó bay hết, sẽ dẫn đến tình trạng mất đi số lượng lớn khách hàng quen thuộc".
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, ngành thương mại điện tử đang phát triển sâu rộng. Thương mại điện tử, sau thời kỳ bùng nổ trong đại dịch, vẫn tiếp tục là một trong những động lực chính thúc đẩy nền kinh số phát triển.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Số lượng người Việt mua hàng trực tuyến trong cùng thời kỳ lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước. Với tốc độ phát triển này, Statista dự báo Việt Nam sẽ sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trước năm 2025.
Trong thị trường sôi động này, Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam của Bộ Công Thương đã chỉ ra rằng trong năm 2022, có đến 70% người dùng mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, 65% mua qua các diễn đàn mạng xã hội và 63% mua sắm qua các ứng dụng di động.
Với sự hỗ trợ tích cực của các nền tảng, kinh doanh online không chỉ là chiến lược tất yếu của các thương hiệu lớn mà còn là cơ hội cho các nhà bán hàng cá nhân theo mô hình C2C (customer to customer). Không cần chi phí đầu tư lớn về mặt bằng, nhân viên như các kênh bán truyền thống, thế giới số đã trở thành địa điểm gặp gỡ mới giữa người mua và người bán. Khả năng kết nối không giới hạn, và sự phát triển của các công cụ số không ngừng mở ra những cơ hội mới, đón chào những tay chơi vừa gia nhập.
Chính vì vậy việc kinh doanh online cần phải được xây dựng trên nhiều nền tảng. Các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Mexico và Brazil đã dần phụ thuộc vào các dịch vụ nhắn tin miễn phí này. Đây thường là trụ cột của truyền thông ở những quốc gia này. Các doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế phi chính thức nói riêng dựa vào các dịch vụ của Facebook.
Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, có nhiều lựa chọn dự phòng hơn để liên lạc trong thời gian ngừng hoạt động. Một số quốc gia gần như không bị ảnh hưởng gì từ cuộc khủng hoảng toàn cầu của Facebook, trong đó có Nga. Theo số liệu từ eMarketer, chỉ 8,8% người dùng mạng xã hội ở Nga có tài khoản Facebook, một trong những tỷ lệ thấp nhất thế giới. Tương tự, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vậy, nơi chỉ có 25% và 36% người hâm mộ mạng xã hội có tài khoản Facebook.
Từ vụ Facebook bị sập đã cho thấy sự phụ thuộc quá mức của nhiều nước vào nền tảng này. Và đã đến lúc cần có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn.