Thị trường chứng khoán đã có một tuần giao dịch đáng nhớ với các chỉ số tiếp tục xu hướng đi lên song đà tăng đã có phần chậm lại. Sau hai phiên giảm rồi lại tăng điểm đầu tuần, thị trường phiên thứ 4 ngày 3/11 đã có cú đảo chiều bất ngờ khi hàng loạt cổ phiếu tăng nóng là bất động sản - xây dựng "nằm sàn" la liệt, các nhóm cổ phiếu còn lại cũng không thể đứng vững trước đợt sóng bán tháo, ghi nhận quay đầu giảm điểm mạnh. Nhờ lực đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index kết phiên chỉ giảm hơn 8 điểm. Phiên 3/11 cũng xác lập kỷ lục về thanh khoản với giá trị giao dịch xấp xỉ 52.000 tỷ đồng.
Hai phiên cuối tuần ghi nhận dòng tiền trở lại, lan tỏa tại hầu khắp các nhóm ngành qua đó giúp VN-Index quay trở lại với sắc xanh. Xét theo mức độ đóng góp trong tuần, cổ phiếu dầu khí GAS dẫn đầu với mức đóng góp gần 10 điểm tăng cho VN-Index, bên cạnh đó là VIC, CTG, BID và VHM với tổng cộng hơn 21 điểm tăng cho chỉ số trong tuần.
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1.456,51 điểm, tương ứng tăng 12,24 điểm (0,85%) so với đầu tuần. Cùng chiều, HNX-Index tăng 3,77% lên mức 427,64 điểm và UPCoM-Index tăng 2,7% lên 108,2 điểm.
Về giao dịch khối ngoại, giá trị giao dịch bình quân trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài đi ngang so với tuần trước ở mức 3.375 tỷ đồng, chiếm 4,3% tỷ trọng toàn thị trường. Điểm trừ là họ đã quay đầu bán ròng trên toàn thị trường với giá trị bán ròng cả tuần ghi nhận 2.156 tỷ đồng, khối lượng bán ròng khoảng 36 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua.
Theo đó, áp lực bán ròng mạnh trong hai phiên đầu tuần, sau đó là chuỗi mua - bán ròng đan xen. Khối ngoại trở lại bán ròng chủ yếu qua kênh khớp lệnh, giá trị bán ròng ghi nhận 1.868 tỷ đồng. Đồng thời họ cũng bán ròng thêm 287 tỷ đồng trên kênh thoả thuận.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần là qua nhóm duy nhất được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng mua ròng nhẹ một số nhóm ngành khác như hóa chất, điện nước & xăng dầu khí đốt... Ngược lại, nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh bán ròng tại nhóm cổ phiếu thực phẩm & đồ uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ công nghiệp...
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, lực bán bán của khối ngoại dồn mạnh tại các cổ phiếu như NVL, PAN, SSI hay NLG - hầu hết là những mã đã ghi nhận chuỗi tăng tích cực thời gian qua. Ngược lại, dòng tiền ngoại tìm đến nhóm cổ phiếu nhà băng khi CTG, STB, VCB dẫn đầu danh sách mua ròng của khối ngoại trong tuần. Ngoài ra, dòng tiền ngoại còn chảy vào các cổ phiếu khác như HPG, KDC, KBC, VCI...
Trên sàn HoSE, khối ngoại vừa trở lại mua ròng trong tuần trước đã nhanh chóng quay đầu bán ròng, tổng giá trị bán ròng ghi nhận 1.991 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 1.702 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, đồng thời bán ròng 288 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận.
Điểm sáng trong tuần này và nhóm cổ phiếu ngân hàng với ba cổ phiếu đồng loạt được mua ròng trên 100 tỷ đồng trên HoSE là CTG (180 tỷ đồng), STB (128 tỷ đồng), VCB (121 tỷ đồng). Tuy nhiên, về diễn biến giá, sau phiên 3/11 đóng vai trò là trụ đỡ cho thị trường, các cổ phiếu nhà băng đã đánh mất xung lực tăng điểm, ghi nhận 2 phiên cuối tuần đi ngang và giảm điểm. Cùng chiều, "anh cả" của ngành thép HPG cũng có tuần thứ 2 liên tiếp được mua ròng 116 tỷ đồng
Xếp phía dưới, KDC được mua ròng 88 tỷ đồng, trong khi KBC được khối ngoại mua ròng 87 tỷ đồng, VCI được mua ròng 79 tỷ đồng...
Tại chiều bán, cổ phiếu bất động sản NVL là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất tuần với giá trị ghi nhận 584 tỷ đồng, chủ yếu trên kênh thỏa thuận với giá trị bán thỏa thuận trên 610 tỷ đồng. NVL trong tuần qua cũng đã ghi nhận lên đỉnh mới 6 tháng tại mức 109.600 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, diễn biến giá vô cùng tích cực cũng khả năng cao khiến PAN bị bán ròng mạnh, giá trị tuần này ghi nhận 524 tỷ đồng. Thông tin liên quan, trong bối cảnh thị giá tích cực, cổ đông ngoại Tael Two Partners đã bán ra 15 triệu cổ phiếu PAN trong phiên 4/11 và tiếp tục đăng ký bán hơn 9 triệu đơn vị còn lại nhằm thoái toàn bộ vốn tại PAN Group. Cùng chiều, một cổ đông ngoại khác là Sojitz cũng đăng ký bán nốt hơn 10 triệu cổ phiếu PAN trong khoảng thời gian từ 27/10-25/11 hay Chứng khoán SSI cũng đăng ký bán 15 triệu cổ phiếu PAN trong tháng 11.
Các cổ phiếu khác tại sàn HoSE bị bán ròng trên 200 tỷ đồng trong tuần qua còn có thể kể đến là SSI (464 tỷ đồng), NLG (316 tỷ đồng ), VNM (275 tỷ đồng), HSG (233 tỷ đồng), MSN (213 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng với quy mô giảm còn 74 tỷ đồng, theo đó họ bán ròng 76 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh tuy nhiên mua ròng 2 tỷ đồng thỏa thuận.
Giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận cổ phiếu VCS bị bán mạnh nhất với gần 20 tỷ đồng, cổ phiếu này từ đầu năm liên tục duy trì xu hướng tăng điểm và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Theo sau là PVS với giá trị bán ròng 16 tỷ đồng và PDB bị bán ròng 13 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có IVS (9 tỷ đồng), TNG (8 tỷ đồng), NTP (7 tỷ đồng), HLD (6 tỷ đồng)...
Ngược lại, khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại mã CEO với 11 tỷ đồng, các cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua còn có SHS, TDN, HUT, NBC..
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận bán ròng 91 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng 90 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh đồng thời tiếp tục bán ròng 1 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận.
Cổ phiếu QNS dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng hơn 56 tỷ đồng và đều bán qua kênh khớp lệnh. Bên cạnh đó, HHV và RGC cũng bị bán ròng lần lượt 35 tỷ đồng và 13 tỷ đồng, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có LTG, SKH, PAS, VRG, MML...
Tại phía mua vào, cổ phiếu hàng không ACV tuần này được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với 15 tỷ đồng, toàn bộ trên kênh khớp lệnh. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến CLX giá trị mua ròng ghi nhận 5 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có VGT, VTP, TCI, ABI...