Thị trường giao dịch tích cực trong tuần từ 13-17/5 bất chấp những diễn biến bất ổn của thị trường thế giới. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 976,48 điểm, tăng 2,51% so với tuần trước đó. HNX-Index giảm nhẹ 0,07% xuống 105,79 điểm.
Khối ngoại trên thị trường giao dịch vẫn ở trạng thái tiêu cực khi bán ròng trên cả ba sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM. Tính chung cho toàn thị trường, khối ngoại mua vào 72,3 triệu cổ phiếu, trị giá 2.803 tỷ đồng, trong khi bán ra 111,9 triệu cổ phiếu, trị giá 3.853 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 39,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng lên đến 1.050 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 719 tỷ đồng (tăng 50% so với giá trị bán ròng của tuần trước đó), tương ứng khối lượng đạt 21,8 triệu cổ phiếu.
Đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HoSE là cổ phiếu BVH với giá trị đạt trên 100 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VNM cũng được mua ròng hơn 65 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, VHM bị khối ngoại đẩy mạnh bán ròng đến 242,5 tỷ đồng. HPG cũng bị khối ngoại bán ròng hơn 129 tỷ đồng. Trong tuần qua, chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30 bị khối ngoại bán ròng trở lại hơn 59 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 307 tỷ đồng (gấp 4,5 lần tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng đạt 15,8 triệu cổ phiếu.
PVI được khối ngoại sàn HNX mua ròng mạnh nhất với 48,5 tỷ đồng. Hai mã đứng sau là PGT và DGC nhưng giá trị mua ròng chỉ đạt 6,1 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, VGC đứng đầu danh sách bán ròng sàn này với giá trị lên đến 283 tỷ đồng. Việc VGC bị khối ngoại bán ròng rất mạnh như trên có sự đóng góp mạnh đến từ giao dịch thỏa thuận. Riêng trong phiên ngày 13/5, VGC bị khối ngoại bán ra khoảng 12,4 triệu cổ phiếu thông qua phương thức thỏa thuận, trị giá 249 tỷ đồng.
Trong tuần, khối ngoại sàn HNX còn bán ròng mạnh mã PVS với giá trị đạt hơn 62,4 tỷ đồng.
Còn ở sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng khoảng hơn 24 tỷ đồng, tương ứng khối lượng đạt 1,87 triệu cổ phiếu.
VTP vẫn đứng đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại sàn UPCoM với 14 tỷ đồng. Tiếp sau đó, GEG cũng được mua ròng 10 tỷ đồng. Trong khi đó, CTR bất ngờ bị bán ròng gần 24 tỷ đồng. QNS đứng sau với giá trị bán ròng là 11 tỷ đồng.