Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch khá khó khăn. Thị trường đã có những diễn động với biên độ khá lớn trong phiên, tuy nhiên, khá nhiều phiên giao dịch cả hai chỉ số đều kết thúc với mức tăng giảm điểm nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.174,46 điểm, tăng nhẹ 1,81% so với tuần trước đó, tương tự, HNX-Index chỉ tăng 0,44% lên 132,46 điểm.
Gây ra tình trạng rung lắc của thị trường tuần qua có một phần đóng góp từ những giao dịch của khối ngoại. Khối này đã có khoảng thời gian giao dịch khá bất ổn với việc liên tục bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Tính chung cả tuần, khối ngoại đã mua vào tổng cộng 98 triệu cổ phiếu, trị giá 5.436,4 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 109 triệu cổ phiếu, trị giá 5.742 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt hơn 11 triệu cổ phiếu, trị giá 305,5 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng trở lại hơn 189 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng đạt trên 5,3 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại trên sàn HOSE tuần qua bán ròng rất mạnh cổ phiếu vốn hóa lớn thứ hai thị trường là VNM với 391,7 tỷ đồng, có lẽ đây là nguyễn nhân khiến giá cổ phiếu VNM sụt giảm trong tuần qua và để VIC 'qua mặt' trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hai cổ phiếu lớn là HPG và CTD cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh với lần lượt 162 tỷ đồng và 85,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, CCQ ETF nội E1VFVN30 tiếp tục bị bán ròng hơn 162 tỷ đồng, tuy nhiên, con số này đã giảm đáng kể so với mức 339 tỷ đồng ở tuần trước đó.
Chiều ngược lại, VHC vươn lên dẫn đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 135,4 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC đứng ở vị trí thứ 2 với 110 tỷ đồng, ở tuần trước, cổ phiếu này được khối ngoại mua ròng trên 380 tỷ đồng.
Tiếp đến, MSN và DXG cũng được mua ròng mạnh với lần lượt 100 tỷ đồng và 93 tỷ đồng.
Khối ngoại trên HNX gây chú ý khi bất ngờ bán ròng hơn 116 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 5,8 triệu cổ phiếu.
Hai cổ phiếu nhóm dầu khí trên sàn HNX là PVS và PGS chia sẻ hai vị trí dẫn đầu về giá trị bán ròng của khối ngoại. Đáng chú ý, PVS bất ngờ bị khối ngoại bán ròng gần 100 tỷ đồng, trong khi ở tuần trước khối ngoại vẫn bỏ gần 61 tỷ đồng để mua ròng cổ phiếu này. Còn PGS, cổ phiếu này bị bán ròng hơn 12,2 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, SHS dẫn đầu danh sách mua ròng nhưng giá trị chỉ đạt hơn 5,4 tỷ đồng. Hai mã CEO và VCS được mua ròng lần lượt 4,4 tỷ đồng và 3,7 tỷ đồng.
Còn tại sàn UPCoM, khối ngoại đem lại bất ngờ cho nhà đầu tư khi mua ròng lên đến 730 tỷ đồng, tương ứng gần 40 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, đa phần lượng mua ròng của khối này được thực hiện trong phiên 26/3. Tại phiên giao dịch này, VGT xuất hiện các lệnh giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng lên đến 50 triệu cổ phiếu (810 tỷ đồng) - trong đó có 1 lệnh 35 triệu cổ phiếu - và đều do nước ngoài mua vào. Tính chung cả bên bán thì khối ngoại đã mua ròng tổng cộng hơn 34,2 triệu cổ phiếu VGT, trị giá 555,5 tỷ đồng. Còn tính cả tuần, VGT được mua ròng gần 554 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, CTCP Đầu tư Phát triển VNTEX (tên mới của Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam VID Group do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm Chủ tịch) đã thực hiện bán ra 35 triệu cổ phiếu VGT.
Trước khi giao dịch này xảy ra, các cổ đông lớn của Vinatex gồm có cổ đông nhà nước là Bộ Công thương đang nắm giữ 267,4 triệu cp, tương đương tỷ lệ sở hữu 53,49%; Tập đoàn Vingroup nắm 50 triệu cổ phiếu (10%) và VNTEX nắm 70 triệu cổ phiếu (14%). 120 triệu cổ phiếu bán cho Vingroup và VID trong đợt cổ phần hóa Vinatex năm 2014.
Đứng ngay sau VGT về giá trị mua ròng của khối ngoại là ACV với 68 tỷ đồng. POW cũng được mua ròng gần 40 tỷ đồng.
Trong khi đó, OIL dẫn đầu danh sách mua ròng nhưng chỉ đạt vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng.