Chứng khoán Việt Nam đang trải qua thời khắc thăng hoa ngay từ những ngày đầu năm mới 2021. Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường đã giúp chỉ số VN-Index bứt phá 5,8% lên 1.167,69 điểm ngay trong tuần đầu năm.
Diễn biến tích cực của thị trường đã mang lại tỷ suất lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư. Thống kê trên 3 sàn chứng khoán (HoSE, HNX, UPCom) có tới 478 mã chứng khoán có mức tăng trưởng từ 5,5% trở lên ngay trong tuần đầu năm, đây cũng là mức sinh lợi lớn hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng trong cả một năm. Trong đó, sàn HoSE đóng góp 145 mã tăng trưởng trên 5,5% trong tuần đầu năm, sàn HNX có 120 mã và sàn UPCom có 213 mã.
Không những vậy, thống kê cũng cho biết trên toàn thị trường có tới 93 mã có mức sinh lợi từ 20% trở lên chỉ trong tuần đầu năm mới. Đây thực sự là tỷ suất đáng mơ ước, thậm chí bằng nhiều năm gửi tiết kiệm.
MRF của Merufa với mức tăng trưởng 100% là cổ phiếu tăng mạnh nhất TTCK Việt Nam trong tuần đầu năm mới. Dù vậy, thanh khoản cổ phiếu này khá thấp và không nhiều nhà đầu tư có thể tham gia. Trong khi đó, DTA là mã tăng trưởng mạnh nhất HoSE với mức tăng 39,4% trong tuần qua. Các cổ phiếu ngành chứng khoán cũng ghi nhận đà bứt phá ấn tượng trong tuần đầu năm mới, có thể kể tới như VDS (+37,38%), BSI (+34,93%), AGR (+34,3%).
Nhóm VN30 cũng ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục khi có tới 29 mã có tỷ suất lợi nhuận dương, chỉ có ROS giảm nhẹ 0,4% trong tuần đầu năm mới. Trong đó, có tới 14 mã (~47%) có mức tăng trưởng cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm trong cả năm. MBB hiện là cổ phiếu bứt phá mạnh nhất VN30 với mức tăng 15,65% chỉ trong một tuần giao dịch.
Điều gì làm nên đà bứt phá ngoạn mục của thị trường?
Sự bứt phá ngoạn mục của TTCK Việt Nam thời gian qua có nhiều yếu tố. Đầu tiên là việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 đã giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020, qua đó nằm trong top những quốc gia tăng trưởng tốt nhất Thế giới. Theo khảo sát của Bloomberg, GDP Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021, dự kiến đạt 7,7%, trong khi Mỹ chỉ có thể tăng trưởng 3,9%, Châu Âu tăng 4,6% và Thái Lan là 3,8%.
Cùng với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, việc lãi suất tiết kiệm giảm mạnh trong năm qua đã kéo theo dòng tiền dịch chuyển vào TTCK. Trong năm 2020, nhà đầu tư trong nước mở mới 393.659 tài khoản chứng khoán, con số kỷ lục từ trước tới nay và nhiều hơn 205.013 tài khoản so với năm trước (tăng 109%). Dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước không chỉ giúp thị trường đứng vững trước áp lực bán ròng của khối ngoại mà còn đưa VN-Index hướng về vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Ngoài ra, việc đồng USD suy yếu được kỳ vọng giúp dòng tiền đầu tư hướng tới các thị trường mới nổi, cận biên và trong đó Việt Nam đang là "ngôi sao" khi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số cận biên, cùng với nền tảng kinh tế vững vàng, định giá hấp dẫn.
Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường mới nổi trong khoảng 2 năm tới cũng là yếu tố khiến dòng tiền đổ mạnh vào TTCK Việt Nam. Thống kê cho thấy các TTCK thường tăng mạnh trước khi chính thức được nâng hạng mới nổi.
Theo đánh giá của nhiều CTCK trong nước, chỉ số VN-Index sẽ vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm trong năm 2021 và thậm chí một số CTCK còn dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.400 điểm. Trong khi đó, Pyn Elite Fund, quỹ ngoại quy mô hàng đầu tại Việt Nam vẫn luôn giữ quan điểm lạc quan về TTCK Việt Nam với kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể lên ít nhất 1.800 điểm trong vài năm tới.