Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản vừa trải qua một tuần tồi tệ với tin xấu kéo đến dồn dập, sau khi các nhà đầu tư trên phố Wall và các nhà làm luật ở California "dội gáo nước lạnh" vào những startup sáng giá nhất mà ông chủ Masayoshi Son đang rót tiền vào.
Đầu tiên, SoftBank hối thúc WeWork hãy tạm hoãn vụ IPO gây nhiều tranh cãi sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư tỏ ra không mấy mặn mà. Tuy nhiên thay vì làm như vậy, WeWork lại quyết định thay đổi cấu trúc quản trị doanh nghiệp và tiếp tục theo đuổi kế hoạch lên sàn Nasdaq.
Theo bản báo cáo WeWork nộp lên cơ quan quản lý ngày hôm qua, WeWork sẽ loại bỏ lợi thế về quyền biểu quyết của CEO Adam Neuman, đồng thời không có người thân nào của Neuman sẽ được phép ngồi vào hội đồng quản trị. Động thái này nhằm xoa dịu nỗi lo của nhà đầu tư về vị CEO này.
Trong khi đó các nhà làm luật California vừa thông qua luật lao động mà theo đó các công ty đi theo mô hình chia sẻ sẽ phải hạch toán lại chi phí nhân công, khiến mô hình kinh doanh của họ bị định hình lại hoàn toàn.
SoftBank đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào WeWork và hiện đang là một tay chơi lớn trong nền kinh tế chia sẻ. Tập đoàn Nhật Bản cũng là nhà đầu tư lớn nhất của Uber, nắm một lượng lớn cổ phần tại startup chia sẻ đồ ăn DoorDash và ứng dụng dắt chó đi dạo Wag Labs.
Những diễn biến này đã không ảnh hưởng quá nhiều đến cổ phiếu của SoftBank hay Uber, nhưng sẽ đem đến những tác động rất lớn trong vài tháng tới và vài năm tới. SoftBank có kế hoạch mua ít nhất 750 triệu USD cổ phiếu của We (tập đoàn mẹ của WeWork) sau khi công ty lên sàn.
SoftBank và quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nỗ lực siết chặt quản lý đối với nền kinh tế chia sẻ. DoorDash và Wag đều là những khoản đầu tư được thiết kế để tối ưu hóa mô hình kinh doanh mà Uber đang là người tiền phong, trong khi rõ ràng Uber là một trong những công ty mất nhiều nhất. Các chuyên gia phân tích ước tính chi phí hàng năm sẽ tăng thêm khoảng 500 triệu USD để trả thù lao làm thêm giờ và các phụ cấp khác cho các tài xế ở California. Nếu các bang khác cũng đi theo California, con số còn tăng lên gấp bội.
SoftBank sẽ phải cân nhắc tất cả các yếu tố này khi báo cáo về giá trị ước tính của Vision Fund cho các nhà đầu tư trong quý III vốn kết thúc vào tháng này. Trong báo cáo quý II, SoftBank đã đưa ra con số 82,2 tỷ USD.
Trong số 10,7 tỷ USD mà SoftBank cam kết rót vào WeWork, khoảng 4 tỷ USD là từ Vision Fund. SoftBank đã liên tục tăng giá trị số cổ phần WeWork mà mình đang nắm giữ, trong khi các nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu WeWork khi IPO chỉ đưa ra con số chưa bằng một nửa so với mức định giá trong vòng gọi vốn gần nhất. Đối với Uber, SoftBank đang nắm khoảng 13% lượng cổ phiếu đang lưu hành và chúng đã giảm giá 28% kể từ tháng 6 đến nay.
Tệ hơn là những rắc rối ở WeWork nói riêng và nền kinh tế chia sẻ nói chung xảy đến đúng vào thời điểm SoftBank cần sự ổn định nhất. Mùa hè vừa qua SoftBank vừa công bố kế hoạch huy động vốn khủng cho quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund thứ hai, với mục tiêu lên tới 108 tỷ USD. Trong đó 38 tỷ USD sẽ đến từ SoftBank, 20 tỷ USD khác được vay từ nhân viên dưới dạng bán cổ phần. Như vậy SoftBank vẫn cần đến 50 tỷ USD từ bên ngoài, những nhà đầu tư cần phải được thuyết phục rằng SoftBank là một lựa chọn đáng tin cậy cho dòng tiền của mình.