Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khiến chỉ số Dow Jones "bốc hơi" trên 1.000 điểm trong vòng 2 ngày. Nỗi lo lớn nhất phủ bóng lên Phố Wall tuần này là nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu và chuyển vốn sang các tài sản an toàn.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, mức độ biến động của các chỉ số chứng khoán Mỹ một lần nữa bị đẩy cao. S&P 500 giảm về sát mức trung bình của 200 ngày, một ngưỡng kỹ thuật chủ chốt. Chỉ số này cũng đã về rất gần mức đáy thiết lập hồi tháng 2, thời điểm chỉ số rơi vào trạng thái điều chỉnh. So với mức kỷ lục thiết lập vào hôm 26/1, S&P 500 hiện đã giảm 9,9%.
"Mọi người đang lo nếu chiến tranh thương mại xảy ra thì không biết mọi chuyện sẽ thế nào. Các nhà đầu tư muốn kiểm soát mức độ rủi ro đối với tài sản của họ. Nếu căng thẳng leo thang nhanh chóng, đó sẽ là một bất lợi lớn đối với thị trường", chiến lược gia thị trường cấp cao Peter Kenny thuộc Global Markets Advisory Group nhận định.
Việc Tổng thống Donald Trump vào hôm thứ Năm tuyên bố kế hoạch đánh thuế mạnh số hàng hóa Trung Quốc có kim ngạch nhập khẩu 60 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm đã đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhích gần hơn đến một cuộc chiến tranh thương mại.
Đáp trả Washington, Bắc Kinh công bố kế hoạch áp thuế quan đối với các mặt hàng Mỹ gồm hoa quả và rượu vang với tổng kim ngạch 3 tỷ USD vào Trung Quốc mỗi năm. Trung Quốc ngày 23/3 kêu gọi Mỹ "lùi bước khỏi miệng hố" chiến tranh thương mại.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones giảm 1,77%, còn 23.533,2 điểm. S&P 500 giảm 2,1%, còn 2.588,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,43% còn 6.922,67 điểm.
Tính chung cả tuần, Dow Jones mất 5,67%; S&P 500 trượt 5,59%; Nasdaq giảm 6,54%. Với mức giảm như vậy, tuần này là tuần giảm mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ tháng 1/2016.
So với mức kỷ lục thiết lập hôm 26/1, Dow Jones hiện giảm 11,6%. Chỉ số này đang ở mức thấp nhất kể từ khi rơi vào trạng thái điều chỉnh hồi tháng 2.
Chỉ số CBOE Volatility Index (VIX) đo lường kỳ vọng biến động trong ngắn hạn của S&P 500 tăng 1,53 điểm trong phiên ngày thứ Sáu, lên mức 24,87 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 13/2.
Cổ phiếu tài chính là nhóm giảm mạnh nhất trong các nhóm cổ phiếu ngành thuộc S&P 500, với mức giảm 3%.
Đối với chỉ số Nasdaq, dẫn đầu sự giảm điểm trong phiên này là cổ phiếu các "đại gia" công nghệ Facebook, Amazon, Microsoft và Alphabet.
Trên sàn NYSE, cứ 3,96 cổ phiếu giảm giá phiên này mới có một cổ phiếu tăng giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ cổ phiếu giảm-tăng giá là 3,72-1.
Có tổng cộng 8,11 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với khối lượng giao dịch bình quân 7,3 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trong 20 ngày giao dịch gần nhất.