Thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc một tuần giao dịch với những diễn biến rung lắc rất mạnh đi kèm với đó là thanh khoản thị trường đang có xu hướng co hẹp lại.
Kết thúc tuần, VN-Index đứng ở 1.157,14 điểm, giảm 42,82 điểm (-3,57%) so với tuần trước. HNX-Index cũng giảm mạnh 4,68 điểm (-3,39%) xuống 133,34 điểm. UPCoM-Index giảm 1,32 điểm (-2,1%) xuống còn 5,32 điểm.
Giao dịch của khối ngoại không chịu ảnh hưởng nhiều từ xu hướng thận trọng của nhà đầu tư trong nước. Tính chung cả hai sàn niêm yết HOSE và HNX, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 155,4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 1,4 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, khối ngoại đã vẫn bán ròng tại sàn HOSE, trong khi mua mạnh trên HNX.
Cụ thể, tại sàn HOSE, khối ngoại có tuần bán ròng thứ ba liên tiếp, nhưng giá trị chỉ đạt 876 triệu đồng, trong khi ở hai tuần trước đó, khối ngoại sàn này đã bán ròng lần lượt 189 tỷ đồng và 249 tỷ đồng.
Khối ngoại trên sàn HOSE mua ròng mạnh nhất mã HDB với hơn 576 tỷ đồng. Tính trong vòng 4 tuần trở lại đây, HDB đã được khối ngoại mua ròng tổng cộng 821 tỷ đồng.
Tiếp sau đó, VNM cũng được khối ngoại mua ròng hơn 324 tỷ đồng. SSI và VRE cũng đều được mua ròng trên 200 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, khối ngoại sàn HOSE bán ròng rất mạnh cổ phiếu VIC với hơn 463 tỷ đồng. Bất chấp việc bị khối ngoại bán ròng mạnh, cổ phiếu VIC vẫn liên tục đi lên trong các phiên vừa qua.
Bên cạnh đó, VCB và VJC bị khối ngoại bán ròng cũng rất mạnh, đạt lần lượt 347 tỷ đồng và 286,6 tỷ đồng.
Tại sàn HNX, khối ngoại bất ngờ mua ròng hơn 156 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 9,2 triệu cổ phiếu.
SHB vẫn tiếp tục được khối ngoại sàn HNX mua ròng mạnh, nhưng so với tuần trước, giá trị mua ròng đã tăng vọt lên 203 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là cổ phiếu VPI với giá trị mua ròng là 64,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, VGC tiếp tục bị bán ròng mạnh với 80,2 tỷ đồng, bỏ xa hai mã đứng sau là NDN và VCG với lần lượt 26,3 tỷ đồng và 22,7 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 2 với gần 80 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tương tự như tuần trước đó, việc khối ngoại sàn này vẫn bán ròng là do đột biến đến từ giao dịch thỏa thuận của MPC. Cụ thể, MPC tiếp tục bị khối ngoại bán ròng gần 127 tỷ đồng và đa phần là thông qua phương thức thỏa thuận. Trong khi đó, BSR đứng thứ 2 về giá trị bán ròng nhưng chỉ đạt gần 16,6 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, QNS được mua ròng mạnh nhất nhưng giá trị cũng chỉ là 21,6 tỷ đồng.