Tundra Vietnam Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 7 với performance ghi nhận mức tăng trưởng 1,5% tính theo USD hoặc 4,7% tính theo SEK.
Tundra tiếp tục gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nhóm VinGroup lên 15%
Mức tăng trưởng 4,7% trong tháng 7 của quỹ (theo SEK) thấp hơn so với benchmark FTSE Vietnam TR (SEK) với mức tăng 6,7%. Theo Tundra, việc nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu nhóm VinGroup thấp là nguyên nhân dẫn tới điều này.
Theo Tundra, tin đồn về việc tăng vốn ở Vinhomes với giá cao hơn thị trường và thu nhập tốt hơn kỳ vọng tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư. Lợi nhuận quý 2 của Vinhomes tăng 75,6% so với cùng kỳ và tăng 21,7% trong nửa đầu năm 2019 do tốc độ bàn giao căn hộ cho người mua nhà nhanh hơn dự kiến.
Trong khi đó, Vincom Retail đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về doanh thu trong quý 2 (tăng 30,8%) từ việc mở rộng các TTTM. Trong quý 2, Vincom Retail đã mở mới 3 TTTM, qua đó nâng tổng TTTM lên con số 69.
VinGroup lãi ròng tăng 120% trong nửa đầu năm 2019 đến từ diễn biến tích cực của Vinhomes, Vincom Retail và các mảng kinh doanh khác như giáo dục, y tế.
Tundra cho biết trong tháng qua quỹ đã thoái vốn khỏi TNG sau 12 tháng đầu tư. Ngược lại, các khoản đầu tư vào KDF, LPB, CTG, FPT, PNJ đã mang lại hiệu quả tương đối tốt. Cũng trong tháng 7, quỹ đã tăng cường tiếp xúc với nhóm BĐS.
Tại thời điểm cuối tháng 7, tổng danh mục Tundra Vietnam Fund có giá trị 78,2 triệu USD, trong đó MSN vươn lên trở thành cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 7%. Một điểm đáng chú ý, trong top holdings của Tundra Vietnam Fund tháng 7 đã có sự hiện diện của một gương mặt mới là Vinhomes với tỷ trọng 3,7%.
Như vậy, tổng tỷ trọng nhóm VinGroup (VIC, VHM, VRE) trong danh mục Tundra Vietnam Fund cuối tháng 7 đã lên tới 15%, tăng mạnh so với giai đoạn đầu năm (9,5% vào cuối tháng 1). Thời gian gần đây, không chỉ Tundra Vietnam Fund mà khá nhiều quỹ đã tăng mạnh tỷ trọng nhóm cổ phiếu "họ VinGroup".
Tỷ trọng cổ phiếu "họ VinGroup" ngày càng tăng mạnh trong danh mục Tundra
Trong tháng 7, TTCK Việt Nam diễn ra khá tốt nhờ những thông tin Mỹ - Trung quay trở lại bàn đàm phán thương mại. Thanh khoản được cải thiện với giá trị bình quân 177 triệu USD/phiên. Khối ngoại mua ròng 89 triệu USD tỏng tháng 7, chủ yếu đến từ các quỹ ETFs, trong đó quỹ ETF đến từ Hongkong có quy mô 20 triệu USD.
Ngân hàng KEB Hân của Hàn Quốc cũng ký thỏa thuận mua 603 triệu cổ phiếu BIDV (15% cổ phần) thông qua phát hành riêng lẻ với quy mô 871 triệu USD, biến nó trở thành một trong những thương vụ bán vốn lớn nhất năm nay.
KQKD quý 2 của hầu hết các doanh nghiệp đã được công bố. Ngành ngân hàng có mức tăng trưởng 2 con số nhờ tăng trưởng tín dụng cao và tăng thu nhập ngoài lãi. Nhóm BĐS cũng tích cực, dẫn đầu là Vinhomes. Ở chiều ngược lại, hoạt động của các ngân hàng đầu tư, CTCK gặp không ít khó khăn. Các CTCK như HCM, VND, SSI đều giảm đáng kể lợi nhuận, dẫn đến việc cổ phiếu sụt giảm.
Leo thang thương mại Mỹ - Trung là rủi ro lớn với thị trường
Vĩ mô Việt Nam vẫn rất tích cực với FDI giải ngân lũy kế 7 tháng đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Tuy nhiên, vốn cam kết tăng mạnh 13,4% lên 20,2 tỷ USD. CPI tháng 7 tăng 2,61% so với cùng kỳ và vẫn trong tầm kiểm soát. Trong tháng, PMI tăng lên 52,6 điểm cho thấy sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất và khả năng phục hồi kinh tế. Con số thương mại vẫn đáng khích lệ với thặng dư từ đầu năm đạt 1,8 tỷ USD.
Vào ngày 1/8, Mỹ áp thêm 10% thuế với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bất kỳ sự leo thang nào trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nước sẽ có khả năng tác động tâm lý tới tâm lý thị trường và là yếu tố rủi ro nhất theo quan điểm của Tundra.