Đánh giá cao những kết quả đã đạt được như báo cáo của Chính phủ đã nêu, ông Đinh Duy Vượt cũng nêu ra những tồn tại với mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo điều hành.
Thứ nhất, đề cập đến vấn đề trồng rừng ở Tây Nguyên, ông Vượt cho rằng đây là khu vực đóng vai trò quan trọng, cung cấp điện, năng lượng, nguồn nước cho sự phát triển bền vững của Tây Nguyên, miền Trung thậm chí là Nam Bộ trước mắt và hàng trăm năm sau. Giữ rừng đóng vai trò quyết định.
"Sự hy sinh hàng nghìn ha rừng nghèo để trồng cao su nhưng bây giờ cao su thì lay lắt, rừng đã mất. Hiện trạng hàng nghìn ha đất đang sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích, doanh nghiệp ôm đất chờ thời dẫn đến rất lãng phí nguồn lực đặc biệt này, cũng không loại trừ tiềm ẩn rủi ro cho kinh tế và an ninh chính trị", ông Vượt nhấn mạnh.
Vị Đại biểu Quốc hội Đắc Lắc cũng trân trọng đề nghị trung ương, các bộ ngành liên quan chỉ đạo trồng trả lại rừng, không cho chuyển đổi mục đích khác nhất là làm điện gió, điện mặt trời trên vùng đất này. Ông Vượt cũng đề cập tới diện tích mặt hồ thủy điện, thủy lợi, núi đá còn rất lớn để làm điện mặt trời thay vì phá rừng để làm.
"Ai cũng biết chỉ có rừng mới là căn cơ ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đang diễn ra khiến chúng ta phải chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để khắc phục thiên tai. Vì lý do đó, rất mong chính phủ, các bộ ngành quan tâm, bổ sung chi phí để trồng lại rừng, chăm sóc bảo vệ rừng", ông Vượt nói.
Từng phản ánh tình trạng đại gia ôm "đất vàng" chờ thời ở các đô thị trong phiên tranh luận vài ngày trước, vị đại biểu quốc hội tỉnh Đắc Lắc cũng đề cập đến một vấn đề tưởng như nghịch lý ở các tỉnh Tây Nguyên là vẫn còn 15.846 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở. 32.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất và đang có xu hướng ngày càng tăng. Điều này dẫn tới việc dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dẫn đến mất ổn định an ninh, chính trị.
Ông Vượt đề nghị Trung ương tiếp tục tập trung nguồn lực giải quyết căn cơ liên quan đến đất ở và đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số thiếu đất, giúp người dân có tư liệu sản xuất, giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống góp phần ổn định chính trị.
"Tôi đề nghị không quy hoạch phê duyệt các dự án có thu hồi đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số khi chưa bố trí được đất tái định cư và định canh cho bà con. Xem xét thận trọng việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước về đất đai ở Tây Nguyên nhằm hài hòa các lợi ích, đảm bảo sinh kế lâu dài của nhân dân".
Tranh luận về ý kiến của Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đại biểu Y Biêr Niê của Đắk Lắk cho rằng nhiều khu rừng thưa ở Tây Nguyên thực chất khó có thể trồng được cây gì. Chính vì vậy, cần có những dự án như điện gió, điện mặt trời để đảm bảo phát triển kinh tế cho khu vực.