Kinh doanh điện máy từ rất sớm với siêu thị đầu tiên được mở vào năm 1996, Nguyễn Kim đã nhanh chóng trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành kinh doanh này với quy mô vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại. Trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, Nguyễn Kim tiếp tục giữ vững vị trí của mình trong hơn 15 năm tiếp theo.
Đến đầu những năm 2010, Thế giới Di động mới bắt đầu nổi lên thành một đối thủ xứng tầm có thể so sánh được mới Nguyễn Kim về mặt doanh thu. Lúc này mô hình của 2 doanh nghiệp này vẫn khá khác biệt: trong khi Nguyễn Kim là những trung tâm điện máy quy mô lớn với sản phẩm là các mặt hàng điện tử gia dụng đa dạng thì Thế giới Di động là những cửa hàng nhỏ chuyên về điện thoại và thiết bị di động.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường smartphone những năm sau đó cũng như động thái tăng tốc mở rộng quy mô đã đưa doanh thu của Thế giới Di động tăng trưởng rất ấn tượng và vượt qua Nguyễn Kim vào năm 2013: khi đó, doanh thu của Nguyễn Kim đạt 8.400 tỷ đồng - tương đương năm trước trong khi Thế giới Di động tăng trưởng 29% lên 9.500 tỷ.
Cũng trong khoảng thời gian này, Thế Giới Di động bắt đầu cạnh tranh trực diện với Nguyễn Kim khi triển khai các siêu thị chuyên về điện máy mang tên Dienmay.com - nay đã đổi tên thành Điện Máy Xanh.
Nhiều năm không tăng trưởng khiến cho Nguyễn Kim bị các đối thủ bỏ xa
Điều đáng ngạc nhiên là dù bị Thế giới Di động cũng như các đối thủ lớn khác bám đuổi rất quyết liệt, Nguyễn Kim vẫn rất chậm chạp trong việc cải thiện tình hình, ngay cả sau khi đã bán lại quyền kiểm soát cho tập đoàn Central Group của Thái Lan. Hệ quả là trong suốt 3 năm 2014-2016, doanh thu của Nguyễn Kim chỉ dao động quanh ngưỡng 9.000-9.500 tỷ đồng.
Còn Thế giới Di động, trong giai đoạn trên, doanh thu tăng gần gấp 3 lần từ 15.800 tỷ lên 44.600 tỷ đồng và tiếp tục tăng gấp rưỡi trong năm 2017 lên 66.300 tỷ. Giờ đây, chỉ riêng chuỗi Điện Máy Xanh của Thế Giới Di động cũng đã vượt xa Nguyễn Kim, đạt 14.000 tỷ trong năm 2016 và 30.000 tỷ trong năm 2017.
Không chỉ Thế giới Di động, Nguyễn Kim còn bị một doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn khác là FPT Shop vượt qua. Khi mà Nguyễn Kim mãi vẫn không qua vượt qua được mốc doanh thu 10.000 tỷ thì FPT Shop chỉ sau 5 năm gia nhập thị trường đã đạt được mức doanh thu gần 11.000 tỷ vào năm 2016.
Ngày càng bị tụt lại trong cuộc đua thị phần của ngành điện máy, mới đây Nguyễn Kim tiếp tục phải đối mặt với một vấn đề đau đầu khác khi Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt và truy thu thuế hơn 148 tỷ đồng đối với doanh nghiệp này.