Năm 2017, Việt Nam trải qua một cuộc "khủng hoảng lợn" lớn nhất từ trước đến nay. Giá thịt lợn giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, có lúc chỉ còn 15.000 – 17.000 đồng/kg. Tính bình quân năm, giá lợn ở mức dưới 30.000 đồng/kg, giảm hơn 30% so với tháng 12/2016. Cuộc khủng hoảng này đã khiến các doanh nghiệp chăn nuôi lợn và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lâm vào tình trạng khó khăn chưa từng có.
Cuộc khủng hoảng lợn cũng đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng 4 năm liên tục của 2 tên tuổi lớn trong ngành là ANCO và PROCONCO. Công ty phụ trách mảng thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan (MSN) là Masan Nutri-Science (MNS) đang sở hữu 100% ANCO và gần 80% của PROCONCO, đã giảm 23,5% doanh thu trong năm 2017.
Báo cáo thường niên của CTCP Tập đoàn Masan cho biết, sản lượng cám heo của thị trường thức ăn chăn nuôi giảm từ 6,3 triệu tấn xuống còn 3,4 triệu tấn trong vòng 12 tháng, làm cho doanh thu của Masan Nutri – Science giảm từ 24.423 tỷ đồng xuống còn 18.690 tỷ đồng. Sự sụt giảm nghiêm trọng này bao gồm cả việc nông dân chuyển sang sử dụng thức ăn tự chế biến để tiết kiệm chi phí.
Đối với ANCO, doanh thu thuần năm 2017 đạt 7.403 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 527 tỷ đồng – con số thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Lợi nhuận của PROCONCO cũng giảm mạnh về 900 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng của ANCO giảm từ 12% xuống còn 7% và của PROCONCO giảm từ 8,8% xuống còn 6,8%.
Tuy vậy, nếu so với các công ty khác thì kết quả của ANCO và PROCONCO là những con số đáng mơ ước. CP Việt Nam – doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có thị phần lớn nhất tại Việt Nam phải báo lỗ lần đầu tiên trong 30 năm có mặt tại đây.
Báo cáo của ANCO cho biết, một trong những giải pháp cứu nguy cho mảng thức ăn chăn nuôi trong năm 2017 là việc tung ra hai sản phẩm chiến lược: thức ăn cho heo Bio-zeem "Xanh" đánh mạnh vào thị trường cám trung cấp, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí trong khủng hoảng và sản phẩm thức ăn cho gà thịt Bio-zeem giúp nâng cao hiệu suất, đang bắt đầu chiếm lĩnh thị trường thức ăn gia cầm.
Theo giới thiệu, Bio-zeem cải thiện tỉ lệ chuyển đổi thức ăn thêm khoảng 6% (theo các nghiên cứu nội bộ), cho phép người nông dân cho heo xuất chuồng sớm hơn 12 ngày so với trung bình thị trường. 2 sản phẩm này đã thu hút nông dân đang sử dụng thức ăn tự chế biến chuyển sang dùng sản phẩm của ANCO.
Masan Nutri-Science công bố, vào tháng 12/2017 thị phần thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp này đã tăng lên 35% (không tính trại gia công) so với 30% vào tháng 12/2016.
Dù sa sút, Masan Nutri-Science vẫn đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Masan. Tuy vậy, lợi nhuận gộp đã giảm mạnh từ 5.280 tỷ đồng trong năm 2016 xuống gần 4.000 tỷ trong năm 2017. Masan dự đoán thị trường thức ăn gia súc sẽ hồi phục vào năm 2018 nhưng vẫn không đạt doanh thu cao như năm 2016, vì vậy kế hoạch cho năm 2018 cũng có phần thận trọng.