Không quá nổi bật trong mùa gọi vốn Shark Tank mùa 2, startup gạo hữu cơ Hoa Nắng (được tách ra từ một công ty phân bón) phải nhận những cái "lắc đầu" thẳng thừng của các nhà đầu tư, khi cơ cấu cổ đông khá lằng nhằng gồm 3 thành viên: 2 founder Anh Tú và Trường An chỉ nắm vỏn vẹn 6% vốn, 94% còn lại thuộc về cá nhân nhưng chưa hề rót đồng vốn nào.
Deal "rất run" của Shark Louis đã được bán ở Mỹ, năm 2018 gần hoà vốn
Duy chỉ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Saigon Asset Management (SAM) – Shark Louis Nguyễn – quyết định xuống tiền với 4 tỷ cho 51% cổ phần, vị này cũng thừa thận "rất run" dù đã chốt deal.
Mặc dù vậy, Hoa Nắng có lẽ là dự án ghi nhận nhiều tiền lệ nhất, từ việc được đại diện chương trình khuyên nên từ bỏ ngay khi nộp đơn vì doanh nghiệp "không doanh thu, không lợi nhuận" đến màn thành công đáng ngỡ ngàng với 4 tỷ đồng. Chưa kể, hậu Shark Tank công ty còn hứng chịu cảnh "tan đàn xẻ nghé" khi cá nhân nắm 94% vốn rút lui, Hoa Nắng lúc này quyết tâm làm lại một pháp nhân mới.
Thời điểm bấy giờ, đại diện SAM vẫn chấp nhận, thậm chí tăng số tiền đầu tư lên 10 tỷ đồng, tuy nhiên Shark từ chối tiết lộ tỷ lệ nắm giữ tại Hoa Nắng. Nói về lý do tiếp tục, Shark Louis Nguyễn chia sẻ: "Tôi khá lo lắng về sự an toàn của nghành thị trường thực phẩm Việt Nam, các sản phẩm bây giờ chứa quá nhiều các mầm mống ung thư ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi muốn người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch".
Chỉ sau 1 năm, Hoa Nắng tiếp tục gây bất ngờ khi tiết lộ đã có chút lợi nhuận đầu năm, đến thời điểm cuối năm dự kiến nếu cân đối lại thì chỉ gần hòa vốn. Hiện, Công ty đang phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng về con số cụ thể chưa thể tiết lộ.
Trong đó, gạo hữu cơ Hoa Nắng đã có mặt tại 120 điểm bán của hệ thống siêu thị Co.op toàn quốc, Satra và Citimart Tp.HCM. Công ty cũng mở rộng kênh phân phối trên hệ thống online và các trang thương mại điện tử lớn của Việt Nam như: Tiki, Lazada, Shopee, Sendo…
Thông qua VIETSWAY, sản phẩm cũng đã có mặt trên các trang bán hàng của Việt Nam ở Mỹ qua Amazon, Walmart, Ebay, Google Shopping, Etsy, Rakuten…
Công ty hiện đang đảm bảo đầu ra và các hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn cho bà con nông dân với 150 ha diện tích trồng lúa tại Huyện Thạnh Phú (Bến Tre).
Chia sẻ mới đây, Louis Nguyễn bày tỏ sự thoả mái khi Hoa Nắng đang hoạt động rất tốt, dù nằm trong HĐQT, có hỗ trợ tài chính cũng bố trí nhân sự chuyên môn nhưng Shark hiện không tham gia nhiều vào điều hành, mỗi tháng chỉ thường gặp và trao đổi với Tú, An một lần để xem tình hình hoạt động của Công ty thế nào.
Shark Louis Nguyễn: "Tôi khá lo lắng về sự an toàn của nghành thị trường thực phẩm Việt Nam".
Lấn sân sang mảng đường organic chỉ mới 2 đối thủ, dự kiến làm thêm bún, phở, bánh tráng
Chưa dừng lại, startup còn hướng đến đa dạng sản phẩm hữu cơ, đơn cử vừa ra mắt dòng sản phẩm đường mật mía hữu cơ Hoa Nắng Champa - hợp tác cùng Liên Doanh Hữu Cơ F&F Lào liên kết sản xuất và độc quyền phân phối sản phẩm tại Việt Nam cũng như thị trường quốc tế.
Chia sẻ về bước đi này, founder cho biết hiện Việt Nam đang có chính sách về mía đường rất chặt chẽ, bảo hộ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt với đơn vị lớn. Lĩnh vực mà Hoa Nắng tham gia vào không phải là thị trường lớn của ngành mía đường mà là phân khúc hữu cơ, trong đó có đường hữu cơ.
Khảo sát ở các cửa hàng, siêu thị, các sản phẩm hữu cơ rất ít. Sau quá trình làm gạo hữu cơ, Hoa Nắng nhận thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ đang rất lớn, chính vì thế Hoa Nắng quyết định tham gia vào phân khúc này.
"Mình không cạnh tranh trực tiếp với ngành mía đường trong nước hoặc quốc tế, Hoa Nắng đi vào phân khúc nhỏ, đó là đường hữu cơ để làm sao có thể đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt cho sức khỏe", fouder Anh Tú nói thêm.
Các sản phẩm hữu cơ hiện có của Hoa Nắng.
Đi sâu hơn về sản phẩm đường hữu cơ, đại diện hãng chia sẻ Việt Nam hiện nay chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất trong khi các sản phẩm khác hiện nay lại rất nhiều. Vấn đề khúc mắc ở đây, theo Hoa Nắng, chính là công nghệ máy móc… đặc biệt mấu chốt quan trọng là không có vùng nguyên liệu để sản xuất đường hữu cơ.
Hiện đất ở Việt Nam bị nhiễm hóa chất rất nhiều, chính vì vậy mà việc tìm vùng nguyên liệu để sản xuất mía hữu cơ gặp nhiều khó khăn. Nếu muốn sản xuất mía hữu cơ tại Việt Nam chúng ta cần phải cần chuyển đổi thời gian rất dài để đất và nước khôi phục, không còn tồn đọng hóa chất.
Đây là chưa kể đến bị ảnh hưởng từ những vùng lân cận, lý giải tại sao ở Việt Nam dù có rất nhiều công ty làm đường nhưng chỉ có 2 công ty sản xuất đường hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu.
Riêng Hoa Nắng, khác biệt lớn nhất lúc này chính là nguyên liệu hữu cơ. Trong đó, đối tác F&F Lào - doanh nghiệp chuyên về nông sản được thành lập từ năm 2016 - đang sở hữu vùng nguyên liệu 500 ha đất để canh tác hữu cơ. Thông qua hợp tác, F&F Lào sẽ cung ứng vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng đầu ra cho cây mật mía của đường hữu cơ Hoa Nắng.
Nguồn nguyên liệu từ Tỉnh Sekong thuộc Cao nguyên Boloven ở miền Nam của nước Lào là vùng đất tự nhiên, chưa được khai phá và không bị tác động của hóa chất; đồng thời có 2 mùa rõ rệt và nhiệt độ mát mẻ, lượng mưa dồi dào, đặc biệt là đất bazan màu mỡ, nhiều khoáng chất tốt cho mía hữu cơ.
Về định hướng thời gian tới, Hoa Nắng đã thống nhất với Shark Louis là sẽ phát triển thêm những sản phẩm khác như bánh tráng, phở, bún… Bởi, "thị trường organic của Việt Nam hiện nay tương đối nhỏ, trong khi tỷ lệ tăng trưởng người dùng organic trong 5 năm trở lại đây đang tăng trưởng theo cấp số nhân".
Mặt khác, giá của các sản phẩm organic hiện nay theo nhiều ý kiến khó có thể tiếp cận được với phân khúc khách hàng trung bình. Theo Hoa Nắng, có thể phân khúc hữu cơ đang bị nhỏ lẻ, vì thế chi phí cao hơn nên giá thành khi đưa ra thị trường cũng cao hơn; do đó mục tiêu doanh nghiệp sẽ mở rộng nguồn nguyên liệu từ đó giảm giá thành.