Cần làm rõ hành vi do vô ý hay cố ý
Xung quanh vụ việc đưa thông tin sai sự thật về việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup bị cấm xuất cảnh, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM nêu quan điểm, cơ quan chức năng đã xác định được người đưa thông tin này lên mạng xã hội song cần phải điều tra làm rõ xem ý đồ của người này là cố ý hay vô ý để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu.
Đồng quan điểm, TS. LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, việc đưa các thông tin giả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của nạn nhân, đặc biệt là với người nổi tiếng thì thiệt hại đối với cá nhân, gia đình và sự nghiệp của họ là không thể lường trước được.
Theo luật sư Cường, trước đây, một số lãnh đạo của tập đoàn lớn như Tân Hoàng Minh, FLC bị khởi tố khiến dư luận hết sức quan tâm. Điều đáng chú ý là trước khi bị khởi tố, một số doanh nhân của các tập đoàn kinh tế lớn này bị áp dụng biện pháp hạn chế xuất cảnh.
"Vì vậy, việc một số đối tượng lợi dụng diễn biến tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng, điều tra các vụ án kinh tế lớn liên quan một số tập đoàn vừa qua để đưa thông tin sai sự thật về việc ông Phạm Nhật Vượng bị hạn chế xuất cảnh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, uy tín và hoạt động kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp" - luật sư Cường nhận định.
Theo luật sư Cường, trong bối cảnh phòng chống tham nhũng trở thành một xu thế, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhiều quan chức cấp cao bị bắt, bị khởi tố và kết án thì nhiều người nghĩ rằng việc gì cũng có thể xảy ra nên việc đưa ra những thông tin về người đứng đầu của một tập đoàn lớn ở Việt Nam hiện nay vi phạm pháp luật sắp bị xử lý hình sự là một thông tin rất nhạy cảm, rất dễ khiến nhiều người tin theo và hậu quả sẽ khôn lường đối với cá nhân và doanh nghiệp.
Bởi vậy, tin đồn này có thể là một hành vi nguy hiểm cho xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của công dân, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của rất nhiều tổ chức cá nhân có liên quan.
Có thể phải bồi thường thiệt hại
Nói về việc xử lý các hành vi vi phạm hiện nay, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, những người đưa, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên không gian mạng là vi phạm pháp luật, do đó, tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Cụ thể, trường hợp hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội hoặc hành vi là lỗi vô ý thì người vi phạm có thể bị xử phạt đến 30 triệu đồng theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Nếu người đưa những thông tin giả mạo, biết rõ là sai sự thật về việc một người vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự, sắp bị bắt, bị khởi tố là hành vi vu khống. Nếu người bị vu khống có đơn đề nghị xử lý hình sự thì người đưa ra thông tin sai sự thật trong trường hợp này sẽ bị khởi tố về tội "Vu khống" theo Điều 156 BLHS, với mức hình phạt tới 7 năm tù và có thể phải bồi thường thiệt hại gây ra.
Trong trường hợp người bị vu khống, bị tung tin đồn thất thiệt không có đơn trình báo, không yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc xem xét xử lý nhưng những thông tin đưa lên mạng xã hội được xác định là sai sự thật, gây tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội thì cơ quan điều tra vẫn vào cuộc xác minh làm rõ. Đồng thời đánh giá những hậu quả để có căn cứ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu hành vi được xác định là đưa thông tin bị cấm trên không gian mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 331 BLHS, với chế tài có thể tới 7 năm tù.
Ngoài ra, hành vi đưa những thông tin bị cấm lên không gian mạng mà gây ra những hậu quả hệ lụy tiêu cực cho xã hội thì người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo Điều 288 BLHS, với chế tài có thể tới 12 năm tù.
Cũng nêu quan điểm về việc này, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, người đăng tải thông tin trên ngoài việc có thể bị xử lý về hành chính, hình sự thì còn phải bồi thường nếu chứng minh được hành vi này gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán.
"Cần phải mạnh tay với tin giả, bởi hiện nay tin giả xuất hiện rất nhiều và thường gắn với thông tin về các sự kiện lớn gây sự chú ý và ban đầu thì nghe có vẻ "vô hại" nhưng sau đó có thể gây hoang mang dư luận, gây ra tranh cãi hay những dòng dư luận trái chiều…" - luật sư Hậu nói.
Theo luật sư Hậu, mạng xã hội ở Việt Nam đang là "mảnh đất màu mỡ" cho tin giả, bản thân ông cảm thấy lo ngại bởi tin giả tuy khá đơn giản nhưng lại được người dùng mạng xã hội chia sẻ một cách không cân nhắc nên lừa được nhiều người khác.
"Chúng ta dùng mạng xã hội mà không ý thức được hành động, trách nhiệm của mình thì sẽ quá muộn và phải chịu trách nhiệm hành chính và hình sự" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Những ngày gần đây, một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin, có cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
Đại diện Bộ Công an khẳng định, những thông tin đồn mà một số tài khoản mạng xã hội đăng tải là tin thất thiệt, không chính xác.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng Bộ Công an đã xác minh, làm rõ, chuyển hồ sơ sang Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử lý theo quy định của pháp luật đối với Tô Vĩ Hoàn (SN 1984, trú tại Phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) có hành vi đưa thông tin thất thiệt liên quan đến Tập đoàn Vingroup, ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tác động xấu đến thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Cơ quan chức năng cũng đang xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật đối với 9 cá nhân tại 7 tỉnh thành khác đưa thông tin thất thiệt về ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh.