Thế nào là già và bao nhiêu tuổi được gọi là già?
Một cách đơn giản, có thể hiểu già là một giai đoạn của chu kỳ cuộc đời, sau giai đoạn dậy thì của thiếu niên và trưởng thành của trung niên. Phương Đông thậm chí quan niệm rằng con người già ngay khi sinh ra đời với chu kỳ Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Phải chăng điều này cũng có tương đồng với từ "Old" trong tiếng Anh? Một đứa trẻ một tháng tuổi, tiếng Anh là "one month old". Câu hỏi "how old are you?" mà ta hiểu tiếng Việt là "bạn bao nhiêu tuổi?" có nghĩa theo đúng tiếng Anh là "bạn đã già như thế nào?".
Mặc dù trong giai đoạn già, cơ thể con người có một số điểm giống nhau tạo thành đặc trưng cho lứa tuổi đó, nhưng rất khó có được định nghĩa tuổi già bằng việc đặt một cái mốc để chỉ tuổi già trong quãng đời con người vì liên quan đến cuộc đời của một người cụ thể kéo dài bao nhiêu năm? Cách đây một thế kỷ, sống tới 40 tuổi đã được chúc mừng "tứ tuần đại khánh", người sống tới tuổi 70 được coi "xưa nay hiếm ". Ngày nay tuổi thọ trung bình của nhiều nước đã lên tới trên 70. Vậy thì tuổi già bây giờ cần phải được xác định ở độ tuổi cao hơn. Năm 2020 sẽ là mốc khởi đầu cho thập kỷ của nhóm dân số mà The Economist gọi là những người già trẻ nhất (the yold - the young old), tức những người trong độ tuổi từ 65 – 75, những người của thế hệ babyboomer ở các nước giàu sau thế chiến thứ hai, sinh ra từ năm 1955 – 1960. Với tuổi nghỉ hưu thông thường là 65, những người này sẽ nghỉ hưu vào các năm từ 2020 đến 2025.
Người có tuổi đời là 65 ngày nay không giống như những người 65 tuổi cách đây 1 thế kỷ. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, vào năm 1950 người ở tuổi 65 có thể sống trung bình khoảng 11 năm. Giờ đây, con số đó đã lên tới 17 và Liên Hợp Quốc dự báo rằng nó sẽ tăng thêm khoảng 5 năm nữa vào cuối thế kỷ này. Hệ quả của việc tăng tuổi thọ là tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cũng tăng theo. Đồng thời, ngày nay người già trung bình sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra nhận thức, giàu có hơn và ngày càng có nhiều người lựa chọn tiếp tục làm việc và kết nối với xã hội. Theo số liệu thống kê năm 2016, hơn 20% người trong độ tuổi 65 – 69 ở các nước phát triển vẫn đang làm việc, và con số đang tăng nhanh và tiếp tục làm việc cũng chính là một trong những nhân tố giúp họ khỏe mạnh hơn.
Có lạm phát về độ tuổi không?
Trong một nền kinh tế, lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ. Do lạm phát, chẳng hạn 100 đô la bây giờ chỉ có sức mua tương đương với 90 đô la cách đây 10 năm, 80 đô la cách đây 20 năm.
Các nhà kinh tế nghĩ về sự lão hóa theo cách nghĩ về lạm phát giá cả. Giả sử 75 đô la ngày hôm nay có sức mua tương đương với 65 đô la trong quá khứ thì về bản chất, 75 đô la là tương đương 65 đô la mới, bởi vì 75 đô la ngày nay và 65 đô la trong quá khứ có cùng sức mua. Khi nói 75 tuổi bây giờ là 65 tuổi mới, câu nói này hàm ý rằng những người 75 tuổi bây giờ sẽ có thời gian sống còn lại tương đương với những người 65 tuổi trong quá khứ. Điều chỉnh những thay đổi về tuổi thọ như vậy được gọi là điều chỉnh theo lạm phát tuổi. Điều này cũng giống như điều chỉnh giá trị của đồng đô la để phản ánh thay đổi trong sức mua.
Như vậy, có hai cách định nghĩa khác nhau về người già: theo số năm đã sống hoặc số năm dự kiến sẽ sống. Khi nghiên cứu về sự lão hóa, các nhà kinh tế cho rằng sẽ là tốt hơn khi xem xét khái niệm người già không phải là dựa trên độ tuổi hiện có, mà là tuổi thọ dự kiến còn lại. Và khi sử dụng quan điểm thay thế này để đánh giá tương lai của sự già hóa dân số, Sanderson và Scherbov đã xem xét các quốc gia có tổng thu nhập quốc dân trên đầu người ở mức trên 4.000 đô la, bao gồm cả Barbados, Croatia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Nam Phi và đã tính toán rằng già hóa dân số ở các nước thu nhập cao có thể sẽ không còn nữa sau năm 2050.
Hành vi tiêu dùng của người già ngày nay và hàm ý chính sách công
Giả thuyết vòng đời do Franco Modigliani, một nhà kinh tế học người Ý đề xuất cho rằng người tiêu dùng sẽ hướng đến một mức độ tiêu dùng ổn định trong cả cuộc đời, ví dụ bằng cách tiết kiệm trong những năm làm việc của mình và chi tiêu trong thời gian nghỉ hưu. Modigliani cho rằng một người khi trẻ tuổi thường ít hơn thu nhập của người đó khi tuổi đời cao hơn, nhưng đến một lúc nào đó, thu nhập sẽ giảm dần do tác động của tuổi tác. Do vậy, người tiêu dùng có khuynh hướng điều tiết và cân đối tiêu dùng của mình trong suốt chu kỳ sống. Những thời điểm thu nhập cao trong cuộc đời, người tiêu dùng có khuynh hướng tiết kiệm một khoảng thu nhập để dành cho chi tiêu vào khoảng thời gian có thu nhập thấp, đặc biệt lúc nghỉ hưu.
Giả thuyết vòng đời giải thích hành vi phân bổ chi tiêu của người tiêu dùng, theo đó cơ cấu dân số ảnh hưởng đến đặc điểm tiêu dùng dân cư của một quốc gia, một nhân tố quan trọng tác động đến quy mô thị trường và tổng cầu của nền kinh tế. Nhóm "yold" đang làm thay đổi các ý niệm truyền thống về hành vi tiêu dùng của người già, từ đó tạo ra nhiều thay đổi trên thị trường tài chính cũng như các ngành dịch vụ và tiêu dùng. The Econommist nhận định rằng những người trên 60 tuổi đang là nhóm khách hàng tăng trưởng nhanh nhất của ngành hàng không, có vai trò quan trọng đối với ngành du lịch vì chi tiêu nhiều hơn đáng kể khi đi du lịch. Nhiều khuyến nghị học thêm máy tính và một số kỹ năng khác đối với người già đã được đưa ra làm thay đổi cả chương trình và phương thức đào tạo của ngành giáo dục. Do tuổi thọ được kéo dài, để nghỉ hưu ở độ tuổi 65, theo nghiên cứu của một nhà kinh tế MIT, người lao động sẽ cần phải tiết kiệm gần một nửa số tiền lương so với mức 15% hiện nay. Và với tầm quan trọng ngày càng tăng của lương hưu, nhóm "yold" cũng đang làm cho các công ty bảo hiểm chuyển hướng trở thành các nhà cung cấp dịch vụ tài chính cho các khách hàng muốn đầu tư tiền lương hưu một cách hiệu quả và chủ động hơn.
Ngoài ra, cũng đã có những nghiên cứu cho thấy không có sự tương quan rõ ràng giữa sự suy giảm năng suất khi người lao động già đi, thậm chí có những nghiên cứu ở Đức cho thấy một nhóm người lao động gồm nhiều thế hệ sẽ đạt năng suất cao nhất. Do vậy, thái độ của xã hội và đặc biệt là của các công ty đối với những người già cần thay đổi trong sử dụng và ứng xử với nhóm người cao tuổi, không phân biệt trong kế hoạch đào tạo.
Để thích ứng với tình hình lạm phát tuổi, chính phủ các nước cũng cần thay đổi chính sách, ví dụ như nâng tuổi nghỉ hưu. Khi người cao tuổi làm việc lâu hơn trong khi cần đến ít dịch vụ y tế hơn thì chi tiêu công cho y tế và hưu trí có cơ hội giảm xuống, và cơ cấu chi tiêu cần hướng đến chi cho phòng bệnh, khuyến khích người già có ý thức phòng ngừa và thay đổi lối sống để sống khỏe hơn khi nghỉ hưu.