Tại các hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tổ chức Công đoàn và các hiệp hội ngành nghề tổ chức, đại biểu đã thẳng thắng bày tỏ quan điểm cho rằng người lao động (NLĐ) không muốn tăng tuổi nghỉ hưu như trong đề xuất.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương với 221 điều. Về nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Theo ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7), qua lấy ý kiến NLĐ, đại đa số đều không đồng ý với phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Lý do đưa ra là do quan ngại không đủ sức khỏe để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc và một phần cũng lo người sử dụng lao động sa thải. ""thực tế tuổi NLĐ càng già đi thì năng suất lao động càng giảm sút, chưa kể họ cũng không mấy mặn mà với việc làm việc ở giai đoạn về cuối thời gian lao động. Nếu kéo dài thời gian lao động cũng sẽ tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp, người lớn tuổi giảm khả năng lao động nhưng vẫn ở lại làm việc sẽ cản trở cơ hội đến với người trẻ. Cho nên riêng quan điểm cá nhân, tôi thấy vấn đề tăng độ tuổi nghỉ hưu phải xem xét lại.” - ông Kiệt bày tỏ.
Đồng thuận với ý kiến này, bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong (quận Bình Tân), nêu quan điểm: "Lao động Việt Nam chủ yếu là lao động giản đơn, hao tốn sức lực. Các nước trên thế giới tăng tuổi nghỉ hưu do thiếu hụt lao động, trong khi Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào cần được tạo điều kiện tham gia thị trường lao động… Ở các nhà máy, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, giày da, phần lớn nữ công nhân phải làm việc với cường độ lao động cao và điều này khiến họ mệt mỏi. Bước sang tuổi 40, nhiều người đã muốn nghỉ hưu, do vậy nếu tăng theo đề xuất dự thảo thì liệu họ có đủ sức làm việc?
Đại đa số công nhân không ai đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu
Không chỉ NLĐ, đặc biệt là công nhân trực tiếp sản xuất không muốn nâng tuổi nghỉ hưu mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) cùng bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực nếu đề xuất này được thông qua. Ông Lê Hòa Bình, GIám đốc Công ty CP Hòa Bình (quận 11, TP HCM), cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo thêm gánh nặng cho cho doanh nghiệp (DN), nhất là chi phí để duy trì việc trả lương cho những lao động đã quá tuổi, không đủ sức để làm việc.
"Ở khía cạnh năng suất lao động, NLĐ lớn tuổi sẽ không còn đáp ứng đủ năng suất cho DN. Đồng thời NLĐ cũng không còn nhiệt huyết đối với công việc của mình đang làm" - ông Bình, nói. Theo ông Bình, lực lượng lao động trẻ của Việt Nam còn thất nghiệp rất nhiều, phải đi làm thuê ở các nước bạn, do vậy cần phải tạo điều kiện để lao động trẻ được làm việc trong nước. "Theo tôi, nên giữ nguyên độ tuổi như cũ để lao động trẻ có thêm cơ hội việc làm, giữ nguồn lao động cho quốc gia"- ông Bình góp ý.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ Bình Dương cho biết: "Khi lấy ý kiến khu vực DN, đại đa số công nhân không ai đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu. Lộ trình tăng này khá dài, sau 10 năm nữa, những thay đổi về điều kiện lao động sẽ rất khác, nhưng tại thời điểm này người lao động (NLĐ) chưa mong muốn. Do đó, trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi nên có thêm cơ chế quyền được nghỉ hưu ở tuổi 55 với nữ và 60 đối với nam".
Đại đa số công nhân không ai đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu
Phát biểu tại một hội thảo mới đây, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị phạm vi đối tượng, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc kỹ. Người trẻ muốn đi làm, còn một bộ phận người lớn tuổi không muốn đi làm khi tuổi đã cao. Người trẻ được đào tạo bài bản so với trước đây, số người có nghề nhiều hơn, người trẻ khỏe hơn, năng suất lao động tốt hơn người lớn tuổi. Từ thực tế này, ông Quảng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, thậm chí phải thiết kế lại lộ trình cho phù hợp, như với đối tượng NLĐ trực tiếp có thể thiết kế theo từng giai đoạn, có thể nâng tuổi nghỉ hưu dần từ 55 lên 57 hoặc 58.