Tờ Bloomberg đưa tin, SoftBank Group vừa báo cáo khoản thua lỗ kỷ lục tại chi nhánh Vision Fund. Nguyên nhân chủ yếu là do giá trị của các cổ phiếu nắm giữ ở Coupang Inc. và Didi Global Inc. giảm mạnh.
Trong một tuyên bố vào hôm thứ 2, khoản lỗ của Vision Fund trong ba tháng kết thúc vào ngày 3/9 là 825,1 tỷ yên (7,3 tỷ USD). Đây là kết quả hoạt động tồi tệ nhất từ trước đến nay của Vision Fund, vượt cả khoản lỗ 788,6 tỷ yên mà chi nhánh này đã công bố trong quý tài chính thứ tư năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch. Softbank báo cáo lỗ ròng 397,9 tỷ yên trong kỳ và không công bố số liệu lợi nhuận hoạt động.
Lần thứ hai kể từ khi thành lập vào năm 2017, Vision Fund của Masayoshi Son đã từ "con gà đẻ trứng vàng" chủ lực trở thành vật cản kéo tụt phong độ của cả tập đoàn. "Cú ngã" đầu tiên bắt đầu vào năm 2019 với màn IPO đáng thất vọng của Uber Technology và sự sụp đổ của WeWork, sau đó là tác động của dịch Covid-19.
Sau đó, đà tăng chung của cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu đã thúc đẩy lợi nhuận của Vision Fund lên cao kỷ lục mới suốt ba quý liên tiếp trong năm tài chính vừa qua. Có được kết quả đó là nhờ vào các thương vụ IPO bom tấn của gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang, công ty giao hàng DoorDash của Mỹ và nền tảng bất động sản trực tuyến KE Holdings của Trung Quốc. Giờ đây, việc cổ phiếu của các công ty này sụt giảm và cuộc đàn áp lĩnh vực công nghệ của các cơ quan quản lý Trung Quốc đã một lần nữa đẩy hoạt động kinh doanh của Vision Fund vào canh bạc đỏ đen.
"Nếu nhìn vào kết quả hoạt động của Vision Fund trong năm nay, hầu hết mọi công ty họ mua cổ phần cho đến nay đều thua lỗ kể từ khi niêm yết", Kirk Boodry, một nhà phân tích tại Redex Research ở Tokyo cho biết. "Đó là một thành tích cực kỳ tồi tệ. Vision Fund đã đứng sau rất nhiều vụ IPO được định giá quá cao. Điều này buộc bạn tự hỏi liệu toàn bộ chu kỳ đầu tư, đưa các công ty IPO và sau đó lấy lại tiền có quá rủi ro hay không?".
SoftBank không còn liệt kê một số gã khổng lồ công nghệ trong danh mục đầu tư của mình, bao gồm Amazon và Taiwan Semiconductor Manufacturing.
Cổ phiếu của SoftBank đã giảm khoảng 24% trong năm nay.
Thời gian gần đây, tỷ phú Masayoshi Son khá im hơi lặng tiếng. Đầu tháng 10, tên của ông có trong các tài liệu rò rỉ của "Pandora Papers".
Theo các tài liệu, Son mua một chiếc máy bay phản lực kinh doanh vào khoảng năm 2014 thông qua một công ty được thành lập vào năm 2009 ở Quần đảo Cayman, một lãnh thổ của Anh được coi là thiên đường thuế doanh nghiệp.
Quyền sở hữu máy bay được chuyển cho một công ty ủy thác của Mỹ và Son trả phí khi sử dụng máy bay dựa trên hợp đồng thuê.
Theo các chuyên gia pháp lý và tài chính, ai đó có thể giảm thu nhập chịu thuế bằng cách trả phí sử dụng chiếc máy bay đó ngay cả khi họ sở hữu nó.
Người phát ngôn của SoftBank phủ nhận Son xử lý các khoản phí theo cách như vậy, nói rằng công ty Cayman Islands là công ty con của một công ty Nhật Bản do Son đứng đầu và hợp đồng cho thuê không cấu thành hành vi trốn thuế.
Nguồn: Bloomberg