Không chỉ thị trường trái phiếu và chứng khoán mới có thể báo hiệu sự suy thoái kinh tế. Trên thực tế, nhà đầu tư cũng cần bám sát những chỉ số kinh tế "lạ" như về đồ lót nam, hay son môi.
Thời gian vừa qua, nỗi lo về suy thoái ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư e ngại rằng lạm phát cao kỷ lục trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, cùng với kế hoạch tăng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Những mối bất an của giới đầu tư đã được phản ánh trong thị trường trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, thông qua hiện tượng được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược. Các nhà đầu tư đã bán ra trái phiếu có kỳ hạn ngắn thay vì trái phiếu kỳ hạn dài hơn, khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng cao hơn trái phiếu 10 năm.
Song, giới chuyên gia nhấn mạnh, đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược không có nghĩa là nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái ngay lập tức. Nhiều trường hợp hiện tượng này xuất hiện 2 năm, trước khi cuộc suy thoái thực sự xảy ra.
Một loạt dữ liệu kinh tế khác có thể đóng vai trò là tín hiệu suy thoái, bao gồm số liệu việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những người theo dõi thị trường cũng sử dụng những thước đo "bất thường" như đồ lót nam, gấu váy, son môi... để đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế.
Chỉ số nhà chọc trời
Năm 1999, nhà kinh tế học người Anh Andrew Lawrence đã phát triển một thước đo gọi là "chỉ số nhà chọc trời". Thước đo này liên kết việc xây dựng các tòa nhà cao nhất thế giới với sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2012 với Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống đô thị (CTBUH), ông Andrew cho biết, ông đã phân tích số liệu từ cuối những năm 1800 và phát hiện mối tương quan giữa việc hoàn thành các tòa nhà chọc trời và các cuộc khủng hoảng kinh tế.
Một ví dụ đáng chú ý là việc hoàn thiện 2 tòa nhà Chrysler và Empire State tại thành phố New York trong cuộc Đại Khủng hoảng.
Lý giải về điều này, ông Andrew cho hay, việc hoàn thành các tòa nhà chọc trời thường có xu hướng "khép lại một giai đoạn bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng". Tuy nhiên, vấn đề không phải do một tòa nhà cụ thể, mà là với "cụm" các tòa nhà chọc trời.
Một số tòa nhà chọc trời vừa hoàn thiện có thể kể đến như tháp Merdeka 118 của Kuala Lumpur đã xây xong cuối năm ngoái, và là tòa nhà cao thứ hai thế giới. Hay như tháp Steinway ở New York, được cho là tòa nhà chọc trời mỏng nhất thế giới và là một trong những tòa nhà cao nhất ở tây bán cầu, cũng vừa hoàn thành.
Chỉ số đồ lót nam
Đối với cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan, doanh số bán đồ lót nam chính là một chỉ báo suy thoái.
Phóng viên Robert Kruwich của NPR cho biết vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông Alan đã giải thích với anh rằng vì quần lót là một trong những trang phục cuối cùng mà đàn ông tìm mua, nó đóng vai trò như một chỉ báo tốt về thời điểm khó khăn.
Vị cựu Chủ tịch FED khẳng định, doanh số quần lót nam thường có xu hướng khá ổn định, nhưng doanh số sụt giảm chứng tỏ tình hình tài chính của nam giới căng thẳng đến mức họ quyết định tạm ngừng mua quần lót thay thế.
Chỉ số gấu váy
"Chỉ số gấu váy" lần đầu xuất hiện ở luận án của nhà kinh tế học George Taylor (Trường Kinh doanh Wharton) vào những năm 1920. Lý thuyết này cho rằng, gấu váy sẽ ngắn hơn khi thị trường tăng điểm và dài hơn khi thị trường suy thoái.
Nhà kinh tế học George Taylor
Tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc trong những năm 1920 và sự xuất hiện của đầm flapper dài đến đầu gối, cùng với sự xuất hiện của mini skirt vào những năm 1960 trong bối cảnh thị trường tài chính vững mạnh, được coi là những ví dụ để củng cố lý thuyết này.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh độ tin cậy của chỉ số này.
Một nghiên cứu được xuất bản vào năm 2010 bởi Viện Kinh tế Lượng, Trường Kinh tế Erasmus (Hà Lan) đã thu thập dữ liệu hàng tháng về độ dài gấu váy từ năm 1921 đến năm 2009. Các tác giả cho biết: "Phát hiện chính của chúng tôi là lý thuyết của George Taylor đúng, nhưng có độ trễ khoảng 3 năm".
Chỉ số son môi
Chủ tịch hãng mỹ phẩm Estee Lauder, Leonard Lauder, đã phát triển "chỉ số son môi" trong bối cảnh kinh tế suy thoái vào năm 2001. Theo vị Chủ tịch này, phụ nữ sẽ chi nhiều tiền hơn cho những món hàng xa xỉ nhỏ như son môi, để vực dậy tinh thần trong những lúc khó khăn.
Song, lý thuyết này lại không đúng trong đại dịch COVID-19, khi doanh số bán đồ trang điểm trên toàn cầu giảm mạnh khi người tiêu dùng bị hạn chế ra khỏi nhà vì lệnh giãn cách.
Chia sẻ với CNBC, ông Russ Mold, Giám đốc nghiên cứu tại hãng tư vấn AJ Bell, nhận định, mặc dù các nhà đầu tư không nên mặc nhiên tin vào những chỉ số kinh tế "lạ" này, nhưng chúng "luôn đáng để theo dõi".
Tham khảo: CNBC