Nhiều khả năng tỉ phú tiền ảo một thời sẽ bị đưa về Mỹ theo hiệp ước dẫn độ giữa 2 nước và bị xét xử sau vụ sập sàn FTX và công ty giao dịch "chị em" của nó là Alameda, theo đài CNN.
Chưa rõ các cáo buộc mà Bankman-Fried phải đối mặt là gì, song theo nguồn tin của báo The New York Times, chúng bao gồm gian lận ngân hàng, gian lận chứng khoán, rửa tiền…
Với vai trò giám đốc điều hành (CEO) của FTX, Bankman-Fried đã phát triển sàn tiền ảo mà anh ta sáng lập năm 2019 thành một trong những sàn tiền ảo lớn nhất thế giới, lập đỉnh với hơn 1 triệu người dùng vào năm ngoái.
Từng có thời điểm tài sản của Bankman-Fried ước tính trị giá 26 tỉ USD nhưng hiện anh ta nói chỉ còn lại 100.000 USD, theo hãng tin Bloomberg.
FTX nộp đơn phá sản vào tháng trước, khiến ít nhất 1 triệu người gửi không tiếp cận được tiền gửi của họ và hơn 100 thực thể liên quan tới FTX nộp đơn xin phá sản theo.
Sam Bankman-Fried từng được xem là nhân tố tích cực trên thị trường tài chính Ảnh: REUTERS
Cả Bankman-Fried và công ty của anh ta đều bị điều tra ở Mỹ và Bahamas, nơi đặt trụ sở công ty. Một trong những vấn đề then chốt, theo tìm hiểu của Reuters vào tháng trước, là Bankman-Fried đã lập ra "cửa sau" trong hệ thống thanh toán của FTX, từ đó cho phép anh ta chuyển 10 tỉ USD của khách hàng FTX sang Alameda, quỹ đầu tư cũng do anh ta sáng lập. Hậu quả là ước tính ít nhất 1 tỉ USD đã biến mất.
Lo ngại khả năng thanh toán của FTX khiến người dùng đồng loạt rút tiền gửi, khiến sàn tiền ảo này sụp đổ và Bankman-Fried từ chức CEO. Dù vậy, anh ta chỉ thừa nhận đã phạm sai lầm trong điều hành chứ không hề cố tình lừa đảo hay phạm luật.
Trên kênh CNBC, các chuyên gia pháp lý nhận định nếu bị kết tội gian lận ngân hàng, Bankman-Fried có thể lãnh án tù chung thân. Siêu lừa Bernie Madoff người Mỹ (1938-2021) cũng từng bị kết án 150 năm tù sau hàng loạt vụ lừa gạt nhà đầu tư.