Phỏng vấn vào vị trí kinh doanh một công ty hóa chất, nữ ứng viên choáng váng khi khi nghe giám đốc đưa ra tiêu chí: Phải biết uống rượu bia và phải cười tươi khi tối tác... cầm tay.
Đủ chuẩn chuyên môn, rớt vì... rượu bia!
Sau nhiều ngày tham gia buổi phỏng vấn vào công ty hóa chất T, nữ ứng viên Nguyễn Hoài Trang (tên nhân vật đã được thay đổi), 27 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM vẫn chưa hết khó chịu.
Công ty đăng tuyển nhân viên kinh doanh với mức lương 8-25 triệu đồng tùy năng lực. Trong buổi phỏng trực tiếp với giám đốc kéo dài hơn 1 giờ đồng, Trang được đánh giá có hình thức, chịu khó học hỏi, giao tiếp ổn...
Tiếp đó là những câu hỏi mang tính quyết định mà cô gái không hề lường trước: "Em có biết uống rượu bia không? Tửu lượng em bao nhiêu?".
Quá bất ngờ và lúng túng, Hoài Trang thật tình đáp không biết uống, chỉ có đôi lần nhấp môi. Cô cũng bày tỏ quan điểm không thích uống đồ có cồn, sợ không thiếu tự chủ dẫn đến những việc không hay.
Sau câu trả lời của Trang, vị giám đốc đanh mặt lại. Ông ta giảng dạy một chặp chê cô không chuyên nghiệp, không phải là mẫu cô gái hiện đại. Nào là đối tác toàn là ông chủ bà chủ, mình phải chiều theo ý họ, họ chịu gặp mình là đã cho mình cơ hội. Đối tác mời uống, mình từ chối chỉ có nước hỏng việc.
Chưa hết, vị giám đốc còn đưa ra tình huống: Đối tác có cầm tay thì cũng phải cười tươi, xem họ đang thân thiện, vui vẻ chứ không có ý gì. Nếu mình giật tay lại hay phản ứng thì hỏng hết việc.
Hoài Trang từ chối và trước khi cô rời cuộc phỏng vấn, giám đốc nói thẳng vào mặt: "Đi tiếp khách, uống bia là chuyện bình thường, công việc nào cũng cần. Thái của cô đừng mong kiếm được công việc lương 8 chữ số".
Chua chát nhưng thật... với thực tế!?
Tình huống phỏng vấn mà Nguyễn Hoài Trang gặp phải kéo nhiều luồng ý kiến trên một số diễn đàn tuyển dụng. Nhiều người cho rằng Trang quay lưng đi thẳng là đúng, không cần phải suy nghĩ nhiều.
Đó không phải là môi trường phù hợp để làm việc. Yêu cầu uống rượu bia, hay giao tiếp sàm sỡ không chỉ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp mà còn liên quan đến đạo đức, nhân phẩm, hành vi. Nhiều người không thể chấp nhận tiêu chí này vì tiếp tay cho vấn nạn rượu bia và cả hành vi quấy rối tình dục.
Vậy nhưng, cũng không ít người bày tỏ, tiêu chí tuyển dụng của công ty trên có vẻ như không chấp nhận nổi nhưng phản ánh thực tế văn hóa ký hợp đồng trên bàn nhậu. Thứ văn hóa tồn tại lâu nay như một vấn nạn lại được xem như một chuyện bình thường.
Nhiều người trong cuộc trải lòng với nhân viên kinh doanh việc uống rượu bia, tiếp xúc với khách hàng trên bàn nhậu là chuyện hầu như ai cũng gặp. Nhiều hợp đồng lớn, tốt... có khi tùy thuộc vào một bữa nhậu.
Chị Trần Hải An, nhân viên kinh doanh tại một doanh nghiệp nội thất ở TPHCM bày tỏ, vị giám đốc khi thể hiện hơi thô nhưng... có phần thật. Ứng tuyển ở vị trí khác chưa bàn nhưng ở vị trí nhân viên kinh doanh, ở nhiều nơi đây là "tiêu chí ngầm", chỉ có điều họ nói ra hoặc không.
"Ứng tuyển vào vị trí kinh doanh, uống hay không, có hợp đồng hay không chính là thu nhập. Là nhân viên tìm kiếm khách hàng, khi khách mời đi nhậu có từ chối được không? Thậm chí, mình còn phải chủ động mời khách. Còn trên bàn nhậu uống thế nào, giới hạn đến đâu tùy vào bản lĩnh vào sự khéo léo của mình", chị An nêu quan điểm. Việc lựa chọn thế nào tùy quan điểm, giá trị sống của mỗi người.
Có người chấp nhận, có người chấp nhận kèm nguyên tắc và cũng có người không thể nào chấp nhận...
Nhưng bức tranh "văn hóa hợp đồng trên bàn nhậu", có rượu bia và có thể kèm cả những đụng chạm... là vấn nạn nhức nhối trong môi trường làm việc, kéo theo sự "méo mó" trong đánh giá về người tài, nhân tài.
Trong một lần chia sẻ về chủ đề định nghĩa về tài năng, ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED chua chát bày tỏ, ở Việt Nam có một dạng "nhân tài" rất đặc biệt. Họ không cần giỏi chuyên môn, không phẩm chất nhưng rất giỏi trên bàn nhậu...
(Theo Dân Trí)