Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp thu ý kiến của các cơ quan; chịu trách nhiệm thống nhất với Bộ Giao thông vận tải về việc đồng bộ hệ thống giao thông, Bộ Tài chính về quản lý tài sản công, Bộ Tài nguyên và Môi trường về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư (nếu có) và UBND thành phố Hà Nội trong quá trình triển khai dự án.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, chỉ thực hiện dự án khi đã thống nhất với các cơ quan về các vấn đề nêu trên, bảo đảm hiệu quả đầu tư, phù hợp quy hoạch, không phát sinh khiếu kiện, theo đúng quy định pháp luật.
Tỉnh Vĩnh Phúc cách Thủ đô Hà Nội 60 km về phía Bắc, là điểm đến của rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Honda và Toyota của Nhật Bản, Piaggio của Italy, Foxconn, Compal và Fullpower của Đài Loan (Trung Quốc), GO. Max, Kumho và Lotte của Hàn Quốc, YCH và CPK của Singapore. Phát triển hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh.
Do vậy, việc đầu tư dự án đường trục khu đô thị mới Mê Linh đối với đoạn xen kẹp qua địa bàn thành phố Hà Nội là rất cần thiết. Khi hoàn thành, tuyến đường trên không chỉ tạo thuận tiện trong việc giao thương giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc, mà quan trọng hơn nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đối với vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Được biết, Dự án đường trục trung tâm KĐT mới Mê Linh có chiều dài cơ sở 14,95 km. Trong đó, đoạn đi qua địa phận Hà Nội là 12km - với điểm đầu ở xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, điểm cuối đến nút giao tiếp nối đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (thuộc địa phận xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị với vận tốc 80km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn I hơn 2.330 tỉ đồng (trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản gần 1.000 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng trong nước).