Vành đai 2 là một trong 7 tuyến đường vành đai của Hà Nội. Tuyến đường dài hơn 43 km, chạy qua 8 quận, huyện của Thủ đô và đã gần hoàn thiện. Đây là dự án quan trọng nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trung tâm thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời kết nối giao thông Hà Nội với các tỉnh thành lân cận.
Đây là một dự án rất lớn, được xây dựng trong khoảng 20 năm với tổng kinh phí hơn 2 tỷ USD. Một số công trình điển hình của đường vành đai 2 như: cầu Nhật Tân (13.500 tỷ đồng); đường Hoàng Sa - Trường Sa (6.600 tỷ đồng); đường Võ Chí Công (hơn 6.600 tỷ đồng); nút giao trung tâm quận Long Biên (2.800 tỷ đồng)…
Để giải quyết tình trạng ùn tắc ở các nút giao thông trọng điểm, Hà Nội đã thực hiện mở rộng đường vành đai 2 bằng các đoạn đường trên cao theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Trong đó nổi bật là đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy (dài 5,1km) sắp hoàn thiện, có tổng mức vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe chạy với vận tốc cho phép 80km/h.
Hiện nhịp cầu cuối cùng nằm ngay Ngã Tư Vọng đang được nhà thầu khẩn trương thi công, các công nhân đã tiến hành hợp long tuyến đường vào tháng 7/2022. “Việc hợp long đốt cuối cùng có ý nghĩa rất đặc biệt đối với dự án đường Vành đai 2 trên cao. Đây là đốt nối liền 3 gói thầu của dự án nhằm thông suốt tuyến đường từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở”, ông Phạm Hồng Văn - Giám đốc điều hành dự án trả lời báo chí.
Cũng nằm trên trục Vành đai 2, Cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong những công trình trọng điểm cấp bách của Thủ đô: dài 3,5km; rộng 19,25m; với 4 làn xe gồm 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, một làn tổng hợp và dải đi bộ. Khởi công tháng 1/2021, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Nút giao Long Biên - Nguyễn Văn Cừ, khởi công tháng 5/2014, có tổng mức đầu tư 2.847 tỷ đồng. Hạng mục chính của dự án là cầu vượt thép lớn nhất Việt Nam – qua vòng xuyến gồm 6 làn xe theo hướng đường Nguyễn Văn Linh - đường 5 kéo dài, tổng chiều dài hơn 800m, vận tốc thiết kế 80km/h. Nút giao là trục giao thông chính phục vụ các khu công nghiệp, khu đô thị phía Bắc sông Hồng, khép kín đường Vành đai 2 đoạn phía Đông Bắc Thủ đô.
Đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dài 6,4km, có tổng mức đầu tư hơn 6.600 tỷ đồng. Khởi công tháng 3/2012, thông xe kỹ thuật tháng 1/2016, công trình góp phần hoàn chỉnh kết nối trung tâm Thủ đô đến sân bay Nội Bài nhằm giảm áp lực giao thông trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Điểm nhấn của đoạn đường này là cầu Nhật Tân, công trình có tổng vốn đầu tư lên đến 13.600 tỷ đồng. Đây là cầu dây văng đầu tiên của Hà Nội với tổng chiều dài gồm đường dẫn là 8.900 m, phần chính cầu dài 1.500 m. Sáu nhịp dây văng kết hợp cùng 5 trụ tháp hình thoi - tượng trưng cho 5 cửa ô.
Đường Vành đai 2 đoạn Hoàng Sa - Trường Sa có tổng mức đầu tư hơn 6.600 tỷ đồng, dài hơn 13km, với 8 làn đường, cho phép xe lưu thông với vận tốc lên tới 80km/giờ. Đây là tuyến đường huyết mạch từ sân bay Nội Bài đi các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương.
Hiện nay, đường Vành đai 2 vẫn còn thiếu một miếng ghép quan trọng: Đoạn Cầu Giấy- ngã tư Sở (đường Láng - dài hơn 4km) chưa được đầu tư mở rộng. “Đoạn tuyến này vẫn chưa đồng bộ, có thể hạn chế phần nào năng lực lưu thông của toàn tuyến”, Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân chia sẻ với báo chí.
Đầu năm nay, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất TP Hà Nội nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (tuyến Vành đai 2), trong đó có phương án đường trên cao thuộc đoạn tuyến này để làm cơ sở triển khai dự án trong giai đoạn 2026-2030.
Bản đồ đường vành đai 2 Hà Nội
Vành đai 2 Hà Nội