Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài 19,7 km từ Bến Thành, quận 1 đến depot Long Bình, TP. Thủ Đức. Tuyến có 14 ga, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao. Tuyến có lộ trình đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức và Dĩ An (Bình Dương).
Trước đây, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng khởi công xây dựng vào năm 2005 để đến năm 2010 đưa vào sử dụng. Nhưng cho đến năm 2007 dự án mới được phê duyệt và đến 8/2012 TP. Hồ Chí Minh chính thức khởi công xây dựng tuyến metro đầu tiên.
Đến nay, Ban quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh cho biết, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đạt được 89% tổng khối lượng. Theo kế hoạch trước đây, tuyến metro số 1 sẽ đi vào hoàn thiện trong quý 4/2021 và khai thác thương mại năm 2022. Nhưng do nhiều yếu tố tác động, điển hình là dịch bệnh nên dự án gặp nhiều khó khăn và chưa thể đi theo đúng kế hoạch.
Trong năm 2022, Ban quản lý đường sắt đô thị và các tổng thầu sẽ tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hơn nữa tinh thần khắc phục khó khăn, nỗ lực phối hợp thực hiện dự án. Ban quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh sẽ phấn đấu để trước ngày 30/4 cơ bản hoàn trả lại mặt bằng, khôi phục lại giao thông khu vực trung tâm thành phố.
Đến giữa năm 2022, tuyến metro số 1 sẽ chạy thử nghiệm đoạn từ depot Long Bình về ngã tư Bình Thái thuộc TP. Thủ Đức. Theo kế hoạch, đến tháng 8/2022 sẽ tiếp tục chạy thử đoạn trên cao và trước 31/12/2022 sẽ cho chạy thử nghiệm trên toàn tuyến.
Hiện tại, tuyến đã tiếp nhận 11/17 đoàn tàu metro. Trong năm 2022, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nhập khẩu nốt 6 đoàn tàu còn lại để tiến hành chạy thử toàn tuyến. Các đoàn tàu đều sản xuất tại Nhật Bản, các đoàn tàu gồm có tàu 3 toa và tàu 6 toa. Bên cạnh đó, vỏ tàu làm bằng hợp kim nhôm, sơn màu chủ đạo xanh dương, nội thất phía trong thiết kế thuận tiện cho khách.
Đầu tư xây dựng phát triển hệ thống Metro là một dự án đầu tư mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội. Hệ thống tuyến metro sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của các khu vực dọc tuyến và tạo thêm hàng nghìn việc làm trực tiếp cũng như nhiều việc làm khác liên quan trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành khai thác.
Tuyến metro số 1 sẽ là một trong những công trình trọng điểm được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế và bất động sản khu trung tâm phát triển vượt bậc trong tương lai. Không chỉ vậy, khi tuyến metro số 1 hoàn thành sẽ góp phần giải bài toán tắc nghẽn giao thông, tham gia giải quyết ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tuyến sẽ đóng góp vào quá trình phát triển đô thị hiện đại, văn minh.
Riêng với TP. Hồ Chí Minh, hệ thống tuyến metro số 1 tạo ra cơ hội phát triển hạ tầng, tái cấu trúc cho đô thị thành phố. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến đến năm 2030, dân số thành phố Thủ Đức đạt khoảng 1,5 triệu người; năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người... Cùng với sự gia tăng về dân số, TP. Hồ Chí Minh chú trọng, quan tâm tới phát triển đô thị ở thành phố Thủ Đức, đặc biệt là dọc tuyến metro số 1.