Dự án xây dựng tuyến metro số 1 TP HCM (Bến Thành – Suối Tiên) đoạn đường Lê Lợi (quận 1) đang tích cực triển khai hoàn thiện để hoàn trả những đoạn mặt bằng cuối cùng. Song song với việc hoàn trả mặt bằng, nhiều hộ kinh doanh trên tuyến phố cũng đang tích cực sơn sửa cửa hàng để sớm quay trở lại tổ chức kinh doanh buôn bán. Nhân viên môi giới bất động sản cho biết hiện trên toàn tuyến Lê Lợi hầu hết các mặt tiền kinh doanh đều đã có khách đặt cọc, mức giá thuê trung bình trên phố không dưới 100 triệu đồng/tháng tùy từng diện tích.
Dự án xây dựng tuyến metro số 1 TP HCM (Bến Thành – Suối Tiên) đoạn đường Lê Lợi (quận 1) đang tích cực triển khai hoàn thiện. Dự kiến ngày 2/9 tới đây sẽ hoàn trả toàn bộ mặt đường Lê Lợi để phục vụ giao thông, sau 6 năm rào chắn. Từ cuối tháng 4, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) đã tổ chức tái lập và hoàn trả mặt bằng một phần đoạn đường Lê Lợi giữa điểm giao đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur, khu vực này được rào chắn từ đầu năm 2017 để thi công dự án Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Theo ghi nhận của phóng viên đến chiều ngày 26/8, đường Lê Lợi đoạn từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã được sơn vạch kẻ đường hai bên, vỉa hè được lát đá sạch đẹp, bồn cây tiểu cảnh cũng đang được hoàn thiện và hạ tầng kỹ thuật ánh sáng cũng đã sẵn sàng. Hiện đoạn tuyến từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến chợ Bến Thành đang được các đơn vị thi công thực hiện nốt những hạng mục cuối cùng như sơn vạch kẻ đường, trồng tiểu cảnh ở giải phân cách, hệ thống biển báo... để hoàn trả mặt bằng toàn tuyến khu vực trung tâm trước ngày 2/9. Tuyến đường Lê Lợi có chiều dài khoảng 1 km, điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Huệ, điểm cuối cắt tại đường Phan Bội Châu khu vực chợ Bến Thành.Tuyến phố này là một trong những tuyến phố đắc địa bậc nhất ở khu vực trung tâm thành phố, nơi hoạt động mua bán, kinh doanh diễn ra sôi nổi. Đây cũng là tuyến phố có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước thường xuyên qua lại.
Song song với việc hoàn trả mặt bằng, nhiều hộ kinh doanh trên tuyến phố cũng đang tích cực sơn sửa cửa hàng để sớm quay trở lại tổ chức kinh doanh buôn bán.Theo khảo sát nhanh một số cửa hàng kinh doanh trên phố, các hộ kinh doanh đều kỳ vọng việc kinh doanh sẽ nhộn nhịp và sôi động hơn khi được hoàn trả mặt bằng phía trước và khách hàng sẽ tăng lên nhờ giao thông thuận tiện.
Theo thông tin từ một số nhân viên môi giới tại khu vực này, ngay từ đợt cuối tháng 4 khi một phần đoạn đường Lê Lợi được hoàn trả, lượng khách hỏi thuê tăng đáng kể so với giai đoạn trước đó.Nhân viên môi giới bất động sản cho biết hiện trên toàn tuyến Lê Lợi hầu hết các mặt tiền kinh doanh đều đã có khách đặt cọc, mức giá thuê trung bình trên phố không dưới 100 triệu đồng/tháng tùy từng diện tích, một số căn đối diện trung tâm thương mại (Saigon Center) còn được chào giá thuê 200 triệu đồng/tháng, và căn góc hai mặt tiền có giá hơn 400 triệu đồng/tháng.
Nhân viên môi giới cũng cho biết nhiều căn cũng được chào giá thuê dưới mức 100 triệu đồng/m2, đa phần là có bề ngang hẹp, diện tích nhỏ hoặc nằm trong hẻm lớn. Nhiều mặt bằng kinh doanh trên phố đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động. Ảnh chụp từ cuối tháng 3 khi lớp hàng rào lô cốt chăn ngay trước các mặt tiền kinh doanh, khiến việc kinh doanh tại khu vực này trầm lắng. Các mặt bằng nhiều năm liền không có khách hỏi thuê, do việc dựng rào chắn khiến giao thông cản trở. Đến nay, các tấm rào chắn dọc phố đã hoàn toàn được gỡ bỏ, vỉa hè được lát đá khang trang sạch sẽ, các hộ kinh doanh kỳ vọng việc buôn bán sẽ suôn sẻ hơn trong thời gian tới. Mặt đường đã được đơn vị thi công tái lập như ban đầu với 10 làn xe cùng vỉa hè thông thoáng, không còn công trường ngổn ngang như hồi tháng 4.Mới đây, UBND quận 1 cũng có văn bản gửi UBND TP HCM đề xuất nghiên cứu phương án đầu tư phố đi bộ trên đường Lê Lợi, nhằm giúp địa phương có thêm sản phẩm du lịch, thu hút khách quốc tế. Cách thức vận hành phố đi bộ được đề xuất tương tự với phố đi bộ Nguyễn Huệ, dành phần đường hai bên để các phương tiện lưu thông, tim đường dành cho người đi bộ.
Nhân viên kỹ thuật đang hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông, hạ tầng kỹ thuật trên tuyến để các phương tiện có thể lưu thông thuận tiện trong thời gian tới. Vòng xoay Quách Thị Trang (đối diện chợ Bến Thành) cũng đang trong quá trình tái thiết lập để trả về như hiện trạng ban đầu. Tại nhà ga Bến Thành hiện "giếng trời" khổng lồ cũng đã lộ diện, đây là cửa lấy ánh sáng tự nhiên cho nhà ga ngầm. "Giếng trời" này cũng là điểm nhấn đặc biệt nhất của các nhà ga trung tâm Bến Thành, nhà ga phức tạp nhất của tuyến Metro số 1. Đại diện MAUR cho biết gói thầu CP1a là một trong 4 gói thầu chính của tuyến Metro số 1 (xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố), hiện gói thầu đã cơ bản hoàn thành hầu hết hạng mục kết cấu chính, đạt 96,33% tổng tiến độ. Về tiến độ ba gói thầu còn lại, gói thầu CP1b (ga Nhà hát thành phố đến nhà ga Ba Son) đạt 99,52%, gói thầu CP2 (đoạn trên cao và Depot) đạt 95,87%, gói thầu CP3 (thiết bị, đầu máy, toa xe) đạt 81,23%.Hình ảnh nhà ga ngầm B1 tại nhà ga Bến Thành. Ảnh: MAUR
Dự án xây dựng tuyến metro số 1 TP HCM (Bến Thành – Suối Tiên) có tổng chiều dài 19,7 km gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao, với 14 nhà ga bao gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Tuyến kéo dài từ Long Bình (quận 9) đến Bến Thành (quận 1) được khởi công vào tháng 8/2012, tổng mức đầu tư là hơn 43.700 tỷ đồng.