Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa qua thông báo chấp thuận niêm yết bổ sung hơn 498,8 triệu cổ phiếu ACB, được phát hành theo hình thức trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 30%. Sau khi hoàn thành, ngân hàng sẽ nâng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên 21.616 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất chia cổ tức, ACB sẽ chuyển niêm yết sang HoSE, dự kiến trong tháng 11, 12.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng thông báo nhận được tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của MB ( HoSE: MBB ). Ngân hàng này được cổ đông thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% và chia 25,6 triệu cổ phiếu quỹ. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV hoặc quý I/2021. Sau khi ngân hàng thực hiện, ước tính thị trường sẽ có thêm hơn 385 triệu cổ phiếu MBB.
Trước đó, HDBank cũng thông báo phát hành gần 290 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức và chia cổ phiếu thưởng, tương ứng với tỷ lệ chia 30% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 30 cổ phiếu mới, 15 cổ phiếu thưởng và 15 cổ phiếu cổ tức). Sau khi thực hiện, lượng cổ phiếu lưu hành của HDBank sẽ tăng lên gần 1,3 tỷ đơn vị.
ACB phát hành gần 500 triệu cổ phiếu trả cổ tức, trước khi chuyển sàn. Ảnh: ACB.
BacABank cũng đã chốt danh sách cổ đông ngày 8/9 để trả cổ tức 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 9%. Ngân hàng sẽ phát hành 58,5 triệu cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành lên 708,5 triệu đơn vị sau khi thực hiện.
SeABank cuối tháng 8 cũng thông báo sẽ phát hành 131 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 14% và chào bán 140,7 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng, qua đó tăng vốn điều lệ lên 12.088 tỷ đồng. Ngân hàng cũng dự định sẽ đưa toàn bộ 1,2 tỷ cổ phiếu này lên sàn trong năm 2020.
Theo thông tin đại hội bất thường vừa tổ chức, MSB đang nộp hồ sơ để niêm yết HoSE. Nếu thành công, thị trường sẽ tiếp tục đón 1,17 tỷ cổ phiếu ngân hàng trên sàn.
Nhiều nhà băng cũng sẽ động thái tương tự, phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn trong năm nay. Theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay, để dành nguồn lực giải quyết các ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tập trung giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, việc tăng vốn thông qua chia cổ tức hoặc phát hành thêm cổ phần cũng là bước đi cần thiết để ngân hàng nâng cao tài chính, đảm bảo nguồn vốn trong bối cảnh nợ xấu được dự báo sẽ tăng sau dịch.
SHB và LienVietPostBank có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10 - 20%. Các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank dự kiến chia cổ tức 2018 bằng cổ phiếu tỷ lệ 18%, tương đương phát hành 667,6 triệu cổ phiếu, trong quí III hoặc IV. BIDV cũng muốn phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và chào bán thêm cổ phần. VietinBank lên kế hoạch dùng toàn bộ lợi nhuận tích lũy để chia cổ tức và cổ phiếu thưởng.
Một nguồn khác cũng bổ sung cổ phiếu ngân hàng vào thị trường là các đợt thanh lý tài sản đảm bảo của các nhà băng. Đơn cử Eximbank và Kienlongbank đang giữ lượng lớn cổ phần Sacombank ( HoSE: STB ) là các tài sản cầm cố của khách hàng.
Kienlongbank từng đấu giá 176,3 triệu cổ phiếu STB vào đầu năm nhưng không thành công. Ngân hàng kỳ vọng việc xử lý số cổ phiếu nói trên trong năm 2020 sẽ giúp đạt lợi nhuận kế hoạch 750 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần năm 2019. Lãnh đạo ngân hàng khẳng định không chốt giá bán thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, dù đang cần thu hồi nợ xấu.
Eximbank đang giữ 75 triệu cổ phiếu STB do 7 khách hàng thế chấp, nếu người vay không trả nợ. Sau khi được NHNN cho phép, Eximbank muốn phát mãi toàn bộ lượng cổ phiếu này để thu hồi 746 tỷ đồng nợ vay. Việc các cá nhân, tổ chức cầm cố cổ phiếu tại ngân hàng để vay vốn không phải là điều ít gặp trên thị trường, chủ yếu ở nhóm tư nhân. Khi các khách hàng không thể trả nợ, toàn bộ cổ phiếu, tài sản cầm cố sẽ do ngân hàng cho vay quyết định.