Hai ông lớn hàng không vay nợ USD thế nào?
Báo cáo tài chính quý I/2024 của "anh cả" ngành hàng không - Vietnam Airlines cho thấy VNA chỉ lãi chênh lệch tỷ giá 125 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 343 tỷ. Về phần chi phí tài chính, VNA lại lỗ chênh lệch đến 771 tỷ đồng, như vậy lỗ gộp từ chênh lệch tỷ giá của VNA lên đến 646 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 111 tỷ. Như vậy, chưa tính đến hoạt động khác, mỗi ngày VNA đã chịu lỗ hơn 7,1 tỷ đồng từ chênh lêch tỷ giá.
Khoản lỗ tỷ giá này đã khiến chi phí tài chính kỳ này tăng mạnh, chiếm 1.470 tỷ đồng, tăng 90% so với quý I/2023. Dù vậy, VNA quý vừa rồi quay đầu báo lãi rất lớn nhờ doanh thu tăng và thu nhập đột biến từ việc Pacific Airlines được xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay.
Mặc dù không thuyết minh chi tiết trong báo cáo tài chính quý I song các con số trong báo cáo tài chính 2023 cũng cho thấy dư nợ bằng USD khá lớn của VNA.
Cuối năm 2023, VNA ghi nhận 74.742 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó vay và nợ thuê tài chính chiếm 27.367 tỷ đồng. Trên tổng số 12.055 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn thì VNA có khoản vay bằng USD trị giá hơn 1.705 tỷ đồng từ các ngân hàng MSB, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Kestrel Aviation Ireland. Vay dài hạn bằng USD chiếm hơn 4.400 tỷ đồng trên tổng số 5.158 tỷ đồng, tương đương 85%. Các khoản vay USD của VNA hầu hết vẫn được cấp từ các ngân hàng trong nước.
Ngoài ra, VNA còn có các khoản nợ thuê tài chính với các tập đoàn tài chính và ngân hàng nước ngoài, tổng cộng là 10.153 tỷ đồng, lớn nhất là khoản nợ thuê 5.349 tỷ từ Tập đoàn ING, 2.269 tỷ từ Citibank. Được biết, tại cuối năm 2023, có 9.093 tỷ đồng nợ thuê tài chính được đảm bảo bằng bảo lãnh của Bộ Tài chính, các khoản còn lại được bảo đảm bằng tài sản thuê tài chính. Nợ thuê tài chính có gốc ngoại tệ thời điểm đó là hơn 418,8 triệu USD. Có thể thấy, tỷ trọng vay nợ bằng USD trên tổng vay nợ thuê tài chính của VNA là khá lớn. Điều này tác động trực tiếp đến các chi phí của doanh nghiệp trong giai đoạn tỷ giá tăng mạnh đầu năm nay.
Còn phía hãng hàng không Vietjet Air (VJC), trong quý đầu năm, công ty cũng chịu hơn 110 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện. Tuy vậy, VJC vẫn lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện hơn 163 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và lãi chưa thực hiện 123 tỷ đồng.
Trên thực tế, các khoản vay ngoại tệ của VJC có tỷ trọng không cao trong cơ cấu vay nợ hiện tại.
Tính đến cuối quý I/2024, VJC đang vay ngắn hạn các ngân hàng hơn 8.114 tỷ đồng, trong đó 2.583 tỷ đồng là vay bằng USD tại HDBank. Vay dài hạn 17.283 tỷ thì khoản vay 255 tỷ đồng vay ngân hàng bằng USD đến từ MBB, khoản vay được bảo đảm bằng tàu bay. Các khoản vay và trái phiếu khác đều là VND. Trong khi đó, VJC còn hưởng lợi khi có khoản cho vay bằng USD với AAA Aircraft Asset, Apricot Aircraft Assets với trị giá gần 850 tỷ đồng.
Với tỷ trọng vay nợ bằng USD khá thấp, VJC dù có chịu ảnh hưởng từ việc đồng USD tăng giá nhưng sẽ ít rủi ro hơn người anh cả cùng ngành.
Tỷ giá tăng làm chi phí mỗi chuyến bay tăng 23 triệu đồng
Tỷ giá diễn biến căng thẳng trong đầu năm nay, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của các doanh nghiệp có liên quan nhiều đến ngoại tệ. Đáng chú ý, trong giai đoạn này, giá vé máy bay cũng tăng đột biến, có chặng tăng đến 50% như đường bay Hà Nội - Phú Quốc và tăng gần 40% với đường bay Hà Nội - Nha Trang.
Theo các số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam về mức độ tăng giá vé tại các đường bay chính thì Vietjet Air có mức tăng giá cao nhất, sau đó đến VNA, Bamboo Airways và cuối cùng là Vietravel Airlines. Cục Hàng không cho biết dù tăng nhưng giá vé vẫn nằm trong khung giá vận chuyển hành khác theo quy định hiện hành.
Lý giải vấn đề này, yếu tố chênh lệch tỷ giá được Cục Hàng không Việt Nam đưa vào là một trong 5 nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay tăng cao.
Theo số liệu cập nhật của IATA, giá nhiên liệu Jet-A1 khu vực Châu Á ngày 26/4/2024 là 100,25 USD/thùng. Theo tính toán của Cục Hàng không, với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá, chi phí nhiên liệu tháng 4/2024 của các hãng hàng không tăng 56,55% so với tháng 12/2014 và tăng 74,27% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 37,66% so với tháng 12/2014 và tăng 53,24% so với tháng 8/2015 (là thời điểm ban hành quy định về khung giá vận chuyển trên chặng bay nội địa).
Tháng 4/2024, giá nhiên liệu bay Jet A1 khu vực châu Á là 100,25 USD/thùng, tương đương mức giá giai đoạn tháng 4/2023. Tuy nhiên, tỷ giá giai đoạn tháng 4/2024 biến động tăng 8% so với tháng 4/2023. Với tỷ trọng các chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng hàng không chiếm khoảng 75% tổng chi phí, chỉ tính riêng biến động của tỷ giá đã khiến chi phí của các hãng hàng không tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Xét về yếu tố đầu vào, khi so sánh với năm 2019, giá nhiên liệu trong quý I/2024 đã tăng 28 USD/thùng, tương đương 38,2% chi phí, qua đó làm chi phí khai thác toàn mạng phát sinh thêm 1.409 tỷ đồng. Nếu quy đổi ra đơn vị chuyến bay, mỗi 1 USD giá nhiên liệu tăng sẽ làm chi phí chuyến bay quý I/2024 tăng thêm 56,7 USD/chuyến. Đồng thời, tỷ giá trong quý I/2024 đã tăng 1.300 đồng (tương đương 5,6%) so với năm 2019, dẫn đến chi phí hoạt động vận tải hàng không phát sinh thêm khoảng 823 tỷ đồng. Tỷ giá bình quân trong quý II/2024 tăng làm chi phí mỗi chuyến bay tăng 23 triệu đồng.
Bên cạnh đó, do nhiều chi phí vận hành hoạt động của hãng hàng không (thuê tàu bay, giá điều hành bay quốc tế …) được thanh toán bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) dẫn đến tăng chi phí cho hãng hàng không.
Giá vé còn tăng do các yếu tố khác như Việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới, việc tiếp nhận các tàu bay mới và chi phí bảo dưỡng tàu bay dừng khai thác tăng; Giá thuê tàu bay tăng cao và Tình hình cung cầu vận tải hàng không.
Xét với những nguyên nhân này thì với yếu tố tỷ giá (được dự báo chỉ diễn ra trong ngắn hạn), khi tình hình bớt căng thẳng sẽ kỳ vọng giải quyết được phần nào bài toán về chi phí cho ngành hàng không.
Tuy nhiên đó cũng chỉ là một phần câu chuyện. Vấn đề giá vé máy bay vẫn là một câu chuyện dài với các chi phí cơ sở, tính cạnh tranh trong ngành,... Trên thực tế, cả hai hàng hàng không đều báo lãi tăng vọt trong quý đầu năm bất chấp các khó khăn về chi phí, tỷ giá, thiếu hụt máy bay trong khi người dân vẫn khó khăn trong đi lại do giá vé tăng cao, kéo theo ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch và khách sạn.
(Còn nữa)