Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, câu chuyện thương mại và tỷ giá là một bài toán khó để VND có lợi trong mối quan hệ với USD và CNY mà không phải đánh đổi nhiều. Có những lo ngại tỷ giá USD/VND sẽ biến động vượt mục tiêu và mong muốn của Ngân hàng Nhà nước, thưa ông?
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn đến cuộc chiến tiền tệ nếu các bên tiếp tục đáp trả mạnh mẽ mà không dừng lại. Nếu Tổng thống Trump để đồng USD tăng giá mạnh giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng thống Ronald Reagan (thời kỳ của thâm hụt ngân sách mở rộng với lãi suất cao) sẽ tạo nguy cơ cho thị trường tài chính toàn cầu.
Đối với VND, từ nay đến cuối năm 2018, tỷ giá USD/VND sẽ chưa có biến động ghê gớm. Tuy nhiên, nếu xảy ra cuộc chiến tiền tệ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo nên cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện thì VND tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng.
Việt Nam tốt nhất nên “lấy bất biến ứng vạn biến”, phải cố gắng giữ ổn định tất cả giá trị kinh tế vĩ mô đã đạt được, tránh những tác động bất lợi từ cuộc chiến tranh thương mại này. Việt Nam cần phải có những biện pháp phòng thủ như giảm bớt thâm hụt thương mại phi chính thức (biên giới) giữa Việt Nam - Trung Quốc. Cố gắng duy trì sự đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam, không để rút vốn ồ ạt. Các nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc nhưng họ không chuyển tiền về nước mà chuyển sang các quốc gia khác, Việt Nam cần giữ ổn định tỷ giá hối đoái để hút dòng vốn này. Dòng vốn này nếu chảy vào Việt Nam sẽ bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối.
Ngoài ra, việc giữ lãi suất VND ổn định cũng giúp tỷ giá “thăng bằng” hơn. Lãi suất VND hiện nay vẫn trong khả năng kiểm soát được và phải kiểm soát lạm phát dưới mức 5%. Hiện nay, sức ép tăng lạm phát là có khi giá xăng đã tăng và thuế môi trường với xăng sẽ tăng kịch khung từ 01/01/2019, giá lương thực thực phẩm cũng tăng…
Ngân hàng Nhà nước nên giữ cách điều hành tỷ giá như hiện nay, có tăng có giảm và công bố công khai để tránh sốc tâm lý cho thị trường, tránh tin đồn thất thiệt… Ngân hàng Nhà nước cũng phải có biện pháp chống găm giữ ngoại tệ của các ngân hàng thương mại.
Đang có “làn sóng” chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia ASEAN hoặc đa dạng hoá đầu tư để tránh “bão” thương mại của các nhà đầu tư quốc tế. Để cạnh tranh với các quốc gia như Thái Lan, Malaysia… theo ông, Việt Nam có nên tự do hoá hoàn toàn giao dịch vốn không?
Việt Nam đã tự do hoá giao dịch vốn tương đối, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không bị hạn chế về hạn mức hay thuế… Doanh nghiệp nước ngoài có thể mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam không có trở ngại gì. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng vì độ mở cửa của kinh tế Việt Nam hiện lên đến 190% GDP, đứng thứ 7 trên thế giới về nền kinh tế có độ mở cao nhất.
Kinh nghiệm những năm trước đây, năm 2007 khi nền kinh tế có độ mở 150% GDP và luồng vốn vào gián tiếp tăng mạnh, chiếm tới trên 50% tổng nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam, là yếu tố thúc đẩy đầu tư, nhưng hiệu quả sử dụng vốn tại Việt Nam rất thấp đã tạo áp lực lạm phát, thâm hụt cán cân vãng lai lên tới 10% GDP và tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2008, tiềm ẩn rủi ro đảo chiều luồng vốn và mất cân bằng đối ngoại. Khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra năm 2008, Việt Nam đang tăng trưởng 8,46% nhưng đến năm 2009 giảm mạnh còn 5,32%, tức mất đi 3% tăng trưởng do tác động từ bên ngoài.
Do đó, để thực hiện tự do hóa hoàn toàn giao dịch vốn, vấn đề ổn định chính sách kinh tế vĩ mô đóng vai trò quan trọng và là điều kiện tiên quyết, nhất là chính sách tài khóa. Tự do hóa hoàn toàn giao dịch vốn chỉ có thể thành công nếu đi kèm với nó là cải cách chính sách tài khóa và giảm thâm hụt ngân sách xuống mức thấp nhất theo thông lệ quốc tế, sử dụng chi tiêu chính phủ một cách hiệu quả, duy trì mức lạm phát thấp.
Xin cảm ơn ông!