Nhóm phân tích SSI Retail Research thuộc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa có báo cáo về thị trường tiền tệ.
Báo cáo nhận xét, thanh khoản hệ thống ngân hàng tháng 7 có liên hệ chặt chẽ với chính sách điều hành tỷ giá của NHNN với 4 công cụ chính (i) bán ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối; (ii) điều chỉnh linh hoạt tỷ giá trung tâm; (iii) kiểm soát cung cầu VND thông qua thị trường mở; và (iv) điều chỉnh lãi suất VND.
Trước áp lực tỷ giá, vào đầu tháng 7, NHNN đã hạ giá bán USD xuống mức rất thấp là 23.050 đồng để hỗ trợ nhu cầu ngoại tệ cho các NHTM. Mức giá này được duy trì cho tới trước ngày 23/7. Trong thời gian đó NHNN đã bán ra một lượng ngoại tệ nhất định, tuy nhiên khối lượng này không đủ để giải cơn khát của thị trường bởi nguyên nhân trực tiếp gây áp lực lên tỷ giá không nằm ở cung cầu ngoại tệ thực tế mà ở tâm lý thị trường.
Từ ngày 23/7, NHNN ngừng bán ngoại tệ giá rẻ, ấn định tỷ giá bán USD của NHNN theo tỷ giá trung tâm với giá bán thấp hơn tỷ giá trần 50 đồng. NHNN chuyển sang điều tiết thị trường bằng công cụ thị trường mở để ổn định cung cầu VND, không để lãi suất VND giảm quá thấp như thời gian trước.
Tín phiếu đã được phát hành với tổng giá trị 60.000 tỷ đồng để hút tiền khỏi lưu thông. Kỳ hạn tín phiếu không chỉ có 28 và 91 ngày như trước mà đã có thêm nhiều kỳ hạn, bao gồm 7, 14, 28, 91, và 140 ngày. Lãi suất tín phiếu tăng rõ rệt, kỳ hạn 28 ngày tăng từ 1,25% lên 2,25% rồi sau đó 2,75%. Lãi suất cao nhất là của kỳ hạn 140 ngày, 3,75%. Nguồn cung nội tệ bị thu hẹp cùng lúc bằng tín phiếu, mua USD từ NHNN và việc KBNN chuyển tiền gửi từ các NHTM về NHNN. Nhờ vậy, lãi suất VND qua đêm đã đứng ở mức cao 2-4%.
Nhờ có động thái của NHNN, tỷ giá giao dịch ổn định hơn và tìm được mặt bằng giá mới. Tỷ giá tự do dần hạ nhiệt. Tỷ giá ngân hàng và tự do hiện giao dịch vào khoảng 23.250/23.330 và 23.400/23.420. Tỷ giá chính thức đã tăng 2,5% kể từ đầu năm, riêng trong tháng 7 đã tăng 1,5%. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm mới tăng 1,1% lên khoảng 22.670 khiến tỷ giá chính thức đã tiến sát trần biên độ 3%.
Xét về cung cầu ngoại tệ, thực tế giai đoạn này vẫn chưa thực sự quá căng. Số liệu thống kê của TCHQ cho thấy nhập siêu tháng 7 là 650 triệu USD, tăng so với ước tính của TCTK, từ đầu năm cả nước vẫn xuất siêu 3.1 tỷ USD. Bên cạnh đó Petrolimex sẽ ngừng nhập khẩu xăng dầu từ tháng 8 và thay vào đó mua sản phẩm từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cũng sẽ làm giảm bớt nhu cầu USD.
Trên thị trường thế giới, đồng USD vẫn duy trì ổn định ở quanh ngưỡng 95 điểm trong hơn một tháng qua. Tuy nhiên, điều mà thị trường lo ngại lại là việc đồng CNY của Trung Quốc mất giá. CNY mất giá -3,3% chỉ trong tháng 7 và -7% trong chưa đầy 2 tháng. So với VND, CNY đã mất -4,5% sau 2 tháng và -6,4% kể từ đầu tháng 4.
Nếu nhìn xa hơn về quá khứ, đồng CNY đã liên tục tăng giá từ sau khi chấm dứt neo tỷ giá vào USD vào năm 2005. CNY chỉ thực sự mất giá trong năm 2015 khi thị trường chứng khoán Trung Quốc vỡ bong bóng và tiếp theo đó là PBOC chủ động phá giá. Trong năm 2017, khi chỉ số Dollar Index giảm, đồng CNY cũng mạnh lên so với USD và giá trị đồng CNY được duy trì ngay cả khi Dollar Index tăng trở lại. CNY chỉ mất giá mạnh trong vài tháng gần đây khi chiến tranh thương mại chính thức nổ ra.
Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, CNY vẫn tăng nhẹ +0,56% so với VND. Và theo các chuyên gia, việc chạy theo CNY để điều chỉnh đồng VND là không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nợ nước ngoài của Việt Nam còn rất cao.