Tại lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán 2019 do CLB Nhà báo chứng khoán tổ chức, ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết doanh thu dự kiến năm 2019 của SCIC đạt 6.700 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch năm, lợi nhuận ước đạt 6.107 tỷ đồng, đạt 123% kế hoạch. Năm qua, SCIC đã tiếp nhận 13 doanh nghiệp với số vốn tiếp nhận 7.160 tỷ đồng, tổng số doanh nghiệp tiếp nhận từ khi SCIC thành lập đến nay đạt 1.468 doanh nghiệp, SCIC đã thoái vốn còn 148 doanh nghiệp.
Kết quả khả quan như vậy song Phó Tổng giám đốc SCIC thừa nhận công tác bán vốn năm qua rất kém. Tỷ lệ bán vốn chỉ đạt 17% kế hoạch cả năm.
Vướng mắc lớn nhất của việc thoái vốn là định giá doanh nghiệp, mà nút thắt ở đây là Nghị định 32. Trước đây Nghị định 32 ra đời trong bối cảnh Nhà nước muốn bảo toàn các khoản đầu tư nên các điều khoản khá chặt chẽ. Một số điều khoản này áp dụng trong bối cảnh hiện nay khó khả thi như yêu cầu định giá giá trị lịch sử văn hoá thì tính như thế nào. Điều này rất khó và hơi máy móc.
"Như một doanh nghiệp SCIC mới đầu tư 2-3 năm thì làm sao có giá trị văn hoá, nếu không tính được thì lấy số tạm tính 1% giá trị doanh nghiệp, đất trả tiền hàng năm cũng phải tính lợi thế, thuê đất 5 năm phải tính lại tiền thuê đất rồi trong khi hiện nay chúng ta tính toán bằng cách lấy toàn bộ giá trị thời gian còn lại được thuê đất nhân với chênh lệch giá thuê dẫn đến giá trị doanh nghiệp tăng rất nhiều.
Thương vụ điển hình nhất là Nhiệt điện Quảng Ninh chúng tôi đầu tư giá 11.200 đồng/cp, lần đầu đăng ký bán giá 11.800 đồng/cp không thành công, theo quy định lần bán tiếp theo được giảm 10% cũng không thành công. Sau đó khi định giá lại theo Nghị định 32 thì giá vọt lên 23.000 đồng/cp, làm sao bán được, nhưng chúng tôi vẫn phải bán, quy định là thế, Thủ tướng duyệt danh mục bán vốn thì SCIC vẫn phải làm", ông Tùng trần tình.
Cửa sáng hiện nay là Bộ Tài chính đang làm việc với các bên liên quan lấy ý kiến sửa Nghị định 32, theo đó dự thảo mới sẽ tháo gỡ được rất nhiều vấn đề định giá, như lợi thế giá trị lịch sử văn hoá tạm tính 1% sẽ được loại bỏ; lợi thế quyền sử dụng đất sẽ được tiếp cận sát với Luật đất đai, lấy tối đa thời hạn 5 năm để tính lợi thế chứ không tính toàn bộ thời gian được thuê đất còn lại, làm giá trị doanh nghiệp gần sát với giá trị thực tế hơn. Theo ông Tùng, năm 2020 bức tranh thoái vốn sẽ khởi sắc hơn 2019 rất nhiều.
Với SCIC, vai trò của TTCK là cực kỳ quan trọng. Ông Tùng cho biết chỉ những doanh nghiệp chưa niêm yết có giá trị dưới 10 tỷ mới chào bán ngoài sàn, còn lại đều bán thông qua các sàn giao dịch Hose hay HNX, Năm qua SCIC đã chào bán 25 doanh nghiệp trên sàn, thành công 11 doanh nghiệp thu về 313 tỷ đồng trên 81 tỷ đồng vốn nhà nước, cao 3,8 lần giá trị đầu tư ban đầu.