Tập trung huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang là xu hướng chung của ngành ngân hàng trong những năm gần đây. Đây là nguồn tiền có chi phí vốn gần như bằng 0, giúp các nhà băng gia tăng hiệu quả hoạt động, tối ưu lơi nhuận.
Nhìn chung, CASA trong quý 2 của một số ngân hàng đã công bố BCTC có xu hướng giảm so với quý 1. Chỉ có 4/10 ngân hàng chúng tôi khảo sát dưới đây ghi nhận tăng tỷ lệ này, tuy nhiên mức tăng không quá ấn tượng.
Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 2, Techcombank vẫn đang dẫn đầu trên bảng xếp hạng tỷ lệ CASA. Cụ thể, với quy mô nguồn vốn giá rẻ đạt mức 152,7 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ CASA của Techcombank đứng đầu toàn ngành với mức 47,5%. Đây là thành quả của Techcombank khi là một trong những ngân hàng tiên phong trong chiến lược "zero free" và đầu tư mạnh cho công nghệ, nhằm thu hút lượng khách hàng mới, thúc đẩy giao dịch điện tử.
Tuy nhiên so với con số 50,4% của quý 1, tỷ lệ CASA của ngân hàng này đang giảm đi tính đến cuối quý 2. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư, lãnh đạo Techcombank chia sẻ nguyên nhân là do khách hàng có xu hướng chuyển dịch CASA sang một số sản phẩm khác như bất động sản và đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng tín dụng mà NHNN cấp cho các ngân hàng đang điều chỉnh chặt chẽ, Techcombank đang thực hiện các kế hoạch để đẩy mạnh CASA trong các tháng tiếp theo. Lãnh đạo của nhà băng này kỳ vọng Techcombank sẽ sớm lấy lại phong độ về chỉ tiêu này.
VPBank là ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm về tỷ lệ CASA lớn thứ hai sau Techcombank tính tới thời điểm hiện tại, giảm 2,5% so với cuối tháng 3. Mặc dù trong quý 2, tiền gửi khách hàng của VPBank có mức tăng trưởng ấn tượng 22%, song tiền gửi không kỳ hạn lại có xu hướng giảm gần 5%. Chính điều này khiến tỷ lệ CASA của VPBank giảm về 19%.
Ngoài Techcombank và VPBank, tỷ lệ CASA của MSB cũng đã giảm về mức 36,5% từ mức 38,1% của quý trước.
Tương tự, chỉ số này của các ngân hàng khác như TPBank, ABBank, hay VIB cũng giảm nhẹ so với quý 1/2022.
Ở một diễn biến khác, số dư tiền gửi của BacABank sau 6 tháng tăng 5,2% lên 90.022 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã tăng gấp 2,3 lần lên mức 3.272 tỷ đồng, đưa tỷ lệ CASA của ngân hàng này cải thiện từ mức 3,3% cuối năm 2021 lên mức 6% trong nửa đầu năm nay. Dù vậy, BacABank vẫn đang là ngân hàng thuộc nhóm tỷ lệ CASA thấp toàn hệ thống.
VietBank cũng là ngân hàng có mức độ tăng trưởng tỷ lệ CASA cao nhất trong số các ngân hàng được khảo sát. Trong kỳ này, tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng đã tăng gần 37%, do đó tỷ lệ CASA cũng được cải thiện lên mức 5,6%. Tuy nhiên đây vẫn là mức thấp và thấp hơn cả BacABank.
Nguồn: BCTC của các ngân hàng
Trong báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022 mới đây của Công ty chứng khoán Vietcombank, các chuyên gia cho biết việc tăng mạnh lãi suất huy động đã bắt đầu tác động lên chi phí vốn của các ngân hàng. Tuy nhiên chi phí huy động sẽ vẫn duy trì thấp hơn mức trước dịch nhờ tỷ lệ CASA cao.
Toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA cao ở mức 22,1% vào quý 1/2022 khi các ngân hàng thương mại nhà nước tham gia vào cuộc đua hút khách hàng cá nhân, tăng thị phần CASA thông qua miễn phí giao dịch và phát triển các sản phẩm số hóa.
VCBS dự đoán trong các quý tới, tỷ lệ CASA có thể sẽ gặp áp lực giảm do thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra để tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như Techcombank, MB, MSB, TPBank… sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và giảm được chi phí vốn trong dài hạn.
Nguồn: VCBS