CASA là viết tắt của Current Account Savings Account, có nghĩa là tiền gửi không kỳ hạn. Đây là một loại hình gửi tiết kiệm ngân hàng mà khách hàng có thể chủ động thực hiện các thao tác với khoản tiền của mình như gửi, rút tiền mặt nhiều lần và hưởng lãi suất không kỳ hạn khoảng (0,1% – 0,5% ), được tính qua ngày.
Như vậy, việc khách hàng đến ngân hàng mở tài khoản (tài khoản vãng lai) để nộp/rút tiền, chuyển khoản, nhận lương, mở thẻ ATM… thì đồng nghĩa đang làm tăng tỷ lệ CASA cho ngân hàng.
Công thức tỷ lệ CASA:
Tỷ lệ CASA = Huy động không kì hạn / Tổng nguồn vốn huy động
= (Tiền gửi không kỳ hạn + Ký quỹ) / (Tổng tiền gửi + Phát hành giấy tờ có giá)
Ví dụ: Tính CASA của TCB trong BCTC hợp nhất quý 4/2021 như sau:
Tỷ lệ CASA = (518.192 + 147.861.145 + 10.997.126) / (45.606.142 + 314.752.525 + 33.679.824) = 40,45%
Tỷ lệ CASA cao có nghĩa là một phần lớn tiền gửi của ngân hàng đang nằm trong tài khoản vãng lai và tài khoản tiết kiệm, thay vì tài khoản tiền gửi có kỳ hạn. Điều này có lợi cho ngân hàng vì ngân hàng nhận được tiền với chi phí thấp hơn. Do đó, tỷ lệ CASA là một chỉ số về chi phí để huy động vốn và do đó, nó phản ánh khả năng sinh lời hoặc khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng.
Tỷ lệ CASA có thể được coi là tỷ lệ quan trọng nhất của ngân hàng, nó quyết định rất nhiều đến vị thế, hiệu quả kinh doanh lâu dài của một ngân hàng. Cụ thể, việc duy trì tỷ lệ CASA cao sẽ giúp cho giá vốn ngân hàng thấp, từ đó NIM hay Biên lợi nhuận sẽ cao hơn.
Tỷ lệ CASA cao cũng sẽ giúp ngân hàng lựa chọn được khách hàng thấp, và có dư địa phát triển nhiều sản phẩm mới vì có thể cho vay với lãi suất thấp hơn những ngân hàng khác, từ đó giảm mức rủi ro xuống thấp hơn.
Mặt khác, CASA cao chứng minh rằng ngân hàng có nhiều dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ tốt và lợi thế cạnh tranh mạnh để thu được kết quả kinh doanh cao hơn.