Theo dữ liệu của Numbeo, TP. HCM vượt Bangkok, Singapore, Jakarta và Tokyo, dần trở thành một trong những thành phố có bất động sản đắt đỏ nhất khu vực châu Á. Cụ thể, theo bảng xếp hạng tỷ lệ giá nhà trên thu nhập, TP. HCM chỉ xếp sau Seoul (Hàn Quốc), Phnom Penh (Campuchia), đứng trên cả Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia).
Cụ thể, thành phố có tỷ lệ giá nhà trên thu nhập cao nhất hiện nay là Damascus - thủ đô và là thành phố lớn nhất của Syria. Dự trên dữ liệu của Numbeo, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập tại đây là 85,26 lần. Đứng vị trí thứ 4 là thủ đô của Trung Quốc, Bắc Kinh. Tỷ lệ giá nhà trên thu nhập trung bình tại đây ở mức 49,74.
Được biết, Bắc Kinh là thị trường có giá nhà đất đắt đỏ nhất Trung Quốc đại lục với mức giá trung bình 5.820 USD/m2. Mới đây, trong nỗ lực kìm hãm giá nhà ở tăng, chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng chính sách khống chế mức trần giá bán đối với gần 2/3 tổng số căn hộ mới để giúp người dân có cơ hội mua nhà.
Cụ thể, 60% các lô đất mà chính quyền bán cho các công ty phát triển nhà ở tại Bắc Kinh để xây dựng các khu chung cư có đi kèm theo nhiều ràng buộc. Chẳng hạn, sau khi chung cư xây dựng xong, họ phải bán các căn hộ với giá không được cao hơn một mức giá nhất định nào đó và 70% số căn hộ trong một dự án phải có diện tích nhỏ hơn 90m2. Khách mua các căn hộ giá rẻ này bị cấm bán lại cho người khác trong vòng 8 năm.
Nhờ chính sách này, hàng loạt chung cư giá rẻ mọc lên ở các khu vực ngoại ô Bắc Kinh với mức giá bán thấp hơn mặt bằng chung 20%. Song, chất lượng các căn hộ này, cũng như bất tiện về đi lại vẫn là một thách thức lớn cho người dân tại đây.
Thủ đô, kiêm đô thị lớn nhất của Hàn Quốc - Seoul, cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự, khi tỷ lệ giá nhà trên thu nhập đang là 30,27. Năm 2020, giá căn hộ ở Seoul lần đầu tiên vượt mức 12 triệu won/m2 ( 11.000 USD ), tăng 74% kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức vào 2017.
Giá trung bình cho mỗi m2 của căn hộ ở thủ đô Hàn Quốc là 12,21 triệu won (11.120 USD ), theo số liệu được ngân hàng KB Kookmin công bố cuối tháng 12 năm ngoái.
Năm 2018, thu nhập khả dụng hàng tháng trung bình (đã trừ thuế và phí an sinh xã hội) của các hộ gia đình dưới 39 tuổi là 3.615 triệu won (3.292 USD ). Trong khi đó, tính đến tháng 6/2018, giá của căn hộ bình dân ở Seoul là 664 triệu won (604.573 USD ).
Điều này có nghĩa các cặp vợ chồng 20-30 tuổi phải tiết kiệm toàn bộ thu nhập trong tối thiểu 15,3 năm để mua căn hộ thuộc loại trung bình ở Seoul.
Tháng 7/2020, Hàn Quốc ra Đạo luật kiểm soát tiền thuê nhà nhằm đảm bảo gia hạn thêm 2 năm hợp đồng cho người thuê và giới hạn mức tăng chi phí jeonse của chủ sở hữu. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, giá thuê nhà vẫn tăng cao.
Giá thuê căn hộ trung bình tính đến cuối tháng 6 tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Ủy ban Bất động sản Hàn Quốc.
Ngoài ra, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập của Tokyo (Nhật Bản) là 13,24, thấp hơn cả Hà Nội hay TP. HCM. Giai đoạn cuối những năm 80 đầu những năm 90 đến nay, do ảnh hưởng của nền “kinh tế bong bóng", nên giá cả nhà đất ở Nhật Bản có giảm đi đáng kể.
Đáng chú ý, tại Việt Nam, TP. HCM ghi nhận tỷ lệ giá nhà trên thu nhập ở mức 27,72. Tỷ lệ này còn cao hơn cả các thành phố lớn ở Mỹ hay châu Âu. Tại London (Anh), con số này là 14,49. Hay như ở Santa Barbara (tiểu bang California, Mỹ), tỷ lệ này là 14,92. Ở New York, tỷ lệ này cũng nhỏ hơn 10, khi giá nhà cao gấp 9,89 lần thu nhập trung bình.
Xét về chỉ số khả năng chi trả (affordability index) của Numbeo, TP. HCM xếp thứ 469 trong tổng số 487 thành phố của bảng xếp hạng, ở mức 0,33. Còn Hà Nội đứng thứ 442, ở mức 0,5.
Phần lớn những thành phố có chỉ số khả năng chi trả cao đều thuộc Mỹ, điển hình như Memphis (Tennessee, Mỹ) đứng vị trí thứ nhất với 11,11. Theo sau lần lượt là Cleveland (bang Ohio), Detroit (Michigan), Buffalo (New York), Saint Louis (Missouri)...
Theo chuyên gia, với lãi vay khoảng 7-10%/năm và khoảng 30% vốn tự có, trên lý thuyết 1 gia đình trẻ tại TP. HCM cần khoảng 20-25 năm để trả xong khoản vay mua nhà (mortgage). Trong khi đó, do tác động của đại dịch COVID-19, thu nhập người dân sẽ chững lại đáng kể. Như vậy, cơ hội để người trẻ ở các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội... sở hữu một căn nhà cho riêng mình sẽ vô cùng thách thức.