Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB) mới đây đã có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và HOSE về vấn đề tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB.
Sacombank cho biết, ngày 12/11/2015, Ngân hàng này được VSD cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán với 400 triệu cổ phiếu phát hành do sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank.
Theo đó, vốn cổ phần của Sacombank từ hơn 1.485 triệu cổ phần trước khi sáp nhập đã tăng lên hơn 1.885 triệu cổ phần. Do phát sinh việc niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu trên, VSD đã ra thông báo: Kể từ ngày 19/9/2016, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là 23,63468% trên tổng số cổ phiếu niêm yết sau khi sáp nhập là hơn 1.885 triệu cổ phiếu.
Sacombank cho biết, từ ngày có thông báo nêu trên, ngân hàng này chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Tuy nhiên, theo thông tin về số liệu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài do VSD cung cấp, tại ngày 10/2/2023, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu gần 565,3 triệu cổ phiếu STB, chiếm 29,99% tổng số cổ phiếu niêm yết của Sacombank.
Sacombank đã đề nghị các cơ quan trên thực hiện kiểm soát và quản lý tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đúng thông báo ngày 19/09/2016 ở mức 23,63468%.
"Trong thời gian tới, tùy theo nhu cầu thực tế, Sacombank sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông để tăng tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm phù hợp và sẽ thực hiện các thủ tục theo đúng quy định", nội dung văn bản cho biết thêm.
Mặt khác, trong bản công bố thông tin mới nhất của VSD về số liệu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tại ngày 15/2/2023, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu gần 565,6 triệu cổ phiếu STB, chiếm 29,95% tổng số cổ phiếu niêm yết của Sacombank.
Trước đó, cổ phiếu STB liên tục là mã ngân hàng được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong những tháng gần đây. Đến phiên ngày 10/2, các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu gần 565,3 triệu cổ phiếu, tương đương 29,99% số cổ phần niêm yết của Sacombank.
Ở một diễn biến khác, trên thị trường chứng khoán, khối ngoại đã có 2 phiên bán ròng mạnh liên tiếp tại cổ phiếu STB (14/2 và 15/2) với tổng khối lượng đạt gần 9,2 triệu đơn vị. Áp lực bán từ khối ngoại là cũng một trong những nguyên nhân chính khiến cổ phiếu Sacombank giảm mạnh 4,3% trong phiên 15/2, xuống còn 23.350 đồng/cp.
Về kết quả kinh doanh, Sacombank ghi nhận một năm 2022 tăng trưởng khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm. Đáng chú ý, chất lượng tài sản được cải thiện mạnh mẽ, trong đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 1,47% xuống còn 0,98%.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Sacombank đặt mục tiêu có thể xử lý dứt điểm khoản nợ xấu tại VAMC thông qua bán đấu giá 18 khoản nợ được đảm bảo bằng KCN Phong Phú và 32,5% cổ phần STB đang được thế chấp tại VAMC ngay trong năm 2023.
Sau nhiều lần đấu giá 18 khoản nợ được đảm bảo bằng KCN Phong Phú không thành công Sacombank đã phải giảm giá khởi điểm của khoản nợ đấu giá xuống còn khoảng 8.640 tỷ VND, tương đương 53% tổng dư nợ. KBSV kỳ vọng ngân hàng có thể thu hồi được ít nhất 5.134 tỷ VND dư nợ gốc vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Sacombank cũng có kế hoạch bán đấu giá 32,5% cổ phần STB (hiện đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản nợ tại VAMC) cho đối tác nước ngoài trong năm 2023. Giá trị khoản nợ này là khoảng 10.000 tỷ VND tương ứng mức giá chào bán là khoảng 18.000 - 19.000 đồng/cp.
Theo KBSV, tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt sẽ góp phần làm giảm đáng kể chi phí dự phòng. Chi phí dự phòng rủi ro thường chiếm từ 35-47% lợi nhuận trước dự phòng trong đó dự phòng cho trái phiếu VAMC thường chiếm trên 50% tổng chi phí dự phòng rủi ro. Do đó nhóm phân tích ước tính Sacombank sẽ có thể tiết kiệm được từ 1-2 nghìn tỷ VND chi phí dự phòng trong giai đoạn tới.