Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm và kết quả giải quyết việc làm, nhất là tình hình thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị có xu hướng đi ngược so với tình hình đăng ký doanh nghiệp.
Đó là nhận định của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tại báo cáo tham gia thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kinh tế, xã hội, ngân sách.
Đánh giá bổ sung tình hình năm 2018, Uỷ ban nêu một số vấn đề cần quan tâm. Vấn đề đầu tiên là, tuy tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm, khoảng 1,99% năm 2018, giảm 0,25% so với năm 2017, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức 1,46%, giảm 0,17%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) vẫn ở mức cao. Đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị (10,56%) cao hơn nhiều so với ở khu vực nông thôn (5,73%) dù cho năm 2018 là năm thứ tư liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao.
Với kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội những tháng đầu năm 2019, báo cáo cho biết, ước tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi (tính chung cả nước) quý 1/2019 là 2,17%, trong đó khu vực thành thị là 3,11%; khu vực nông thôn là 1,67%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) là 6,27%, trong đó khu vực thành thị là 10,49% và khu vực nông thôn là 4,64%.
Một trong những vấn đề cần quan tâm được nêu tại báo cáo là tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm và kết quả giải quyết việc làm, nhất là tình hình thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị có xu hướng đi ngược so với tình hình đăng ký doanh nghiệp.
Dẫn con số minh chứng, báo cáo nêu, tình hình đăng ký thành lập mới trong những tháng đầu năm 2019 có sự khởi sắc về cả số lượng và chất lượng doanh nghiệp. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 43.305 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 542,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2018.
Bên cạnh thất nghiệp và việc làm, vấn đề cần quan tâm khác, theo Uỷ ban Về các vấn đề xã hội là trong những tháng đầu năm, tội phạm ma túy và việc sử dụng ma túy diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều địa bàn trọng điểm về ma túy.
Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài, đặc biệt là từ khu vực Tam giác Vàng được mua bán, vận chuyển trái phép về Việt Nam qua các tuyến biên giới để tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba hoặc tiêu thụ trong nước. Tuyến đường biển từ khu vực Trung Đông, Châu Phi ... bắt đầu trở thành tuyến vận chuyển khó kiểm soát và gây nhiều khó khăn cho lực lượng phòng, chống ma túy.
Mặc dù lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn nhưng chưa ngăn chặn thực sự hiệu quả tình trạng này, một số điểm nóng về ma túy ở khu vực Tây Bắc và phía Bắc miền Trung chưa được giải quyết một cách căn bản, Uỷ ban nhận định.