Đó là những con số được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu tại báo cáo phục vụ phiên chất vấn trực tiếp từ chiều 5/6 tại nghị trường.
Trên 7% thanh niên thất nghiệp
Đánh giá chung về thị trường lao động, Bộ trưởng cho biết quý 1/2018, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 55,1 triệu người, tăng 586,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 17,7 triệu người, chiếm 32,2%, khu vực nông thôn là 37,4 triệu người, chiếm 67,8%.
Hiện nay, cả nước có 38,6% số người làm việc trong khu vực nông lâm nghiệp, 26,7% trong khu vực công nghiệp, xây dựng và 34,7% trong khu vực dịch vụ.
Theo đánh giá của Bộ trưởng thì tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý. Số người thất nghiệp trong quý 1/2018 là 1,1 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn quốc khoảng 2,01% (tỷ lệ này của quý 1/2017 là 2,30%). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là trên 7%.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý 1/2018 ước tính là 56,8%, trong đó khu vực thành thị là 48,3%, khu vực nông thôn là 63,8%.
Việc lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, theo Bộ trưởng là một hạn chế. Chất lượng lao động ở Việt Nam thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, Bộ trưởng khái quát.
Vẫn nằm trong các hạn chế còn có chất lượng việc làm thấp, lao động tự làm việc, lao động gia đình không hưởng lương và lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh không chính thức, vẫn là ba nhóm lao động chủ đạo của nền kinh tế.
Năm thứ tư vượt mức xuất khẩu 100.000 lao động
Trong nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng có việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ trưởng cho biết, năm 2017 cả nước đưa đi được gần 135 nghìn lao động (trong đó lao động nữ chiếm 39,6%), vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016.
Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54,5 nghìn lao động, Đài Loan gần 67 nghìn lao động, Hàn Quốc 5 nghìn lao động... Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng khẳng định, các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (về vốn, nhân sự, cơ sở vật chất,...) mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này.
Tính đến 29/5/2018 có 328 doanh nghiệp được cấp giấy phép. Các doanh nghiệp phần lớn có trụ sở chính tại Hà Nội (chiếm khoảng 60%), tại Tp.HCM (chiếm khoảng 20%) và 20% là doanh nghiệp có trụ sở chính tại các địa phương khác.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý, Bộ trưởng cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các quy định cụ thể về mức chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài (phí môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ). Thông tin cụ thể về chi phí để đi làm việc theo các hợp đồng được Bộ thẩm định cũng đã được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ.
Đồng thời, Bộ thường xuyên thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp không đảm bảo duy trì điều kiện tối thiểu để được hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, những doanh nghiệp vi phạm đến mức phải xử lý thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2016 và 2017, Bộ đã tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh với hơn 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu hồi giấy phép của 06 doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động của 05 doanh nghiệp, xử phạt 31 doanh nghiệp. Tổng số tiền phạt từ năm 2016 đến hết năm 2017 là gần 4 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ đã tiến hành thanh tra 5 doanh nghiệp, tổng số tiền xử phạt là 490 triệu đồng.