Báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ dự kiến được công bố ngày 8/5 sẽ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên tới 16% trong tháng 4. Con số này sẽ phá vỡ kỷ lục thất nghiệp 10,8% được xác lập sau Thế chiến II vào tháng 11/1982. Những con số có thể cho thấy dấu hiệu rõ ràng nhất về tác động của đại dịch với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Những con số tiếp tục củng cố nhận định của các nhà phân tích về khả năng phục hồi chậm từ suy thoái. Cùng với một loạt dữ liệu ảm đạm về chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh, thương mại… tiếp tục cho thấy một viễn cảnh tăm tối. Nước Mỹ vẫn đang trong tình trạng đóng cửa để hạn chế virus lây lan, yếu tố ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế.
Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng sẽ gây khó khăn cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới. Sau khi Chính quyền Trump bị chỉ trích vì phản ứng ban đầu với đại dịch, ông Trump rất muốn mở cửa lại nền kinh tế ngay cả khi việc này có thể làm tăng số ca nhiễm cũng như những trường hợp tử vong.
"Nền kinh tế của chúng ta đang được hỗ trợ để tồn tại. Chúng ta sẽ phải thử nghiệm xem kinh tế Mỹ có thể vượt qua an toàn khỏi tình trạng hôn mê hay không", ông Erica Groshen, cựu ủy viên Bộ Lao động Mỹ, cho biết.
Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục của tháng 4 xảy ra khi tình trạng mất việc làm xuất hiện ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Ngành giải trí và khách sạn sa thải hàng loạt, chủ yếu là người lao động trong các nhà hàng và quán bar. Theo ước tính, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể đạt đến 35 triệu người.
Cụ thể, có tổng cộng 26,5 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và 16,2 triệu người mất việc trong tuần kết thúc vào ngày 12/4. Diện người đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã mở rộng đáng kể sang những người tự kinh doanh hoặc người lao động trong các ngành nghề tự do. Tuy nhiên, các nhà kinh tế tin rằng số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và người đang nhận chợ cấp thất nghiệp chưa phản ánh đầy đủ tình trạng này ở Mỹ.
Tuy nhiên, cũng phải tính tới việc một số người có thể nộp nhiều hơn một lá đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Những lao động bị giảm giờ làm vì Covid-19 cũng có thể nộp đơn xin hỗ trợ của chính phủ. Một số người thất nghiệp có thể đã tìm được việc làm khi các công ty như Walmart và Amazon tăng cường thuê nhân công để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến lớn. Tài xế xe tải, nhân viên siêu thị, nhà thuốc và chuyển phát nhanh là những nghề thu hút nhiều việc làm.
Dẫu vậy, Covid-19 đang làm thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của người tiêu dùng. Với doanh nghiệp, việc mở cửa trở lại vẫn đang dè dặt. Ngay cả khi trở lại hoạt động, các ông chủ cũng có xu hướng thuê ít nhân viên hơn để hạn chế chi phí. Đó là lý do kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt với một cuộc suy thoái trong quý thứ 3 của năm.