Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt, các quan chức Ukraine đã đưa ra mong muốn về việc SpaceX của Elon Musk gửi các thiết bị đầu cuối Starlink đến khu vực để tăng cường truy cập Internet. "Dịch vụ Starlink hiện đang hoạt động ở Ukraine. Nhiều thiết bị đầu cuối khác cũng đang trên đường tới", Musk đã hồi đáp ngay lập tức.
Kể từ đó, công ty đã coi các hành động này thành một nghĩa cử từ thiện. "Tôi tự hào vì chúng tôi có thể cung cấp các thiết bị đầu cuối cho người dân ở Ukraine", chủ tịch SpaceX Gwynne Shotwell cho biết tại một sự kiện. "Tôi phủ nhận việc Mỹ cung cấp bất kỳ khoản tiền nào để chúng tôi cung cấp thiết bị đầu cuối Starlink đến Ukraine".
Tuy nhiên, trong khi SpaceX nhận được sự tán dương vì hành động này, thì hóa ra người phải chịu trách nhiệm cho hàng triệu USD "quyên góp" Starlink của Musk là những người dân Mỹ. Theo các tài liệu do The Technology 202 thu được, chính phủ liên bang Mỹ trên thực tế đang trả hàng triệu USD cho một số lượng lớn thiết bị, cùng với chi phí vận chuyển đến Ukraine.
Hôm 5/4, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thông báo mua hơn 1.330 thiết bị đầu cuối từ SpaceX để gửi đến Ukraine, trong khi công ty nói rằng họ đã tặng gần 3.670 thiết bị đầu cuối và cả dịch vụ Internet. Mặc dù ban đầu cơ quan này gọi đây là "khoản đóng góp tư nhân trị giá khoảng 10 triệu USD", nhưng thông báo không nêu rõ họ sẽ đóng góp bao nhiêu cho thiết bị hoặc chi phí vận chuyển. Một thời gian sau khi thông báo được đưa ra, cơ quan đã xóa các chi tiết chính về khoản tiền khỏi bài viết.
Thông báo của USAID trước và sau khi chỉnh sửa
Hiện USAID "đã giao 5.000 thiết bị đầu cuối Starlink" cho Ukraine "thông qua quan hệ đối tác công tư" với SpaceX nhưng không nêu rõ số lượng cũng như giá trị của các khoản đóng góp. USAID đã đồng ý mua gần 1.500 thiết bị đầu cuối Starlink tiêu chuẩn với giá 1.500 USD/chiếc và thêm 800.000 USD chi phí vận chuyển. Tổng cộng, những người dân phải nộp thuế tại Mỹ phải trả cho SpaceX 3 triệu USD để các thiết bị được gửi đến Ukraine. Điều này khác xa so với những thông báo ban đầu của SpaceX về vấn đề này.
Trong một bức thư gửi tới SpaceX vào tháng trước, giám đốc USAID tại Ukraine cho biết các thiết bị đầu cuối sẽ được "mua" và một nhà thầu bên thứ ba sẽ thay mặt USAID "thu xếp vận chuyển và giao thiết bị" từ Sân bay Quốc tế Los Angeles đến Ukraine qua Ba Lan. Bức thư cho biết gần 3.670 thiết bị đầu cuối do SpaceX tặng sẽ đi kèm với "dữ liệu không giới hạn" trong ba tháng. Ngoài hơn 1.330 thiết bị đầu cuối mà USAID xác nhận đã mua, cơ quan này trước đó đã đồng ý mua 175 thiết bị khác từ SpaceX, theo các tài liệu.
Vào hôm 7/4, người phát ngôn của USAID Rebecca Chalif cho biết trong một tuyên bố rằng "việc cung cấp các thiết bị đầu cuối Starlink đã được thực hiện bởi một loạt các bên liên quan. Họ đã đóng góp hơn 15 triệu USD, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua, vận chuyển trên các chuyến bay quốc tế, mặt đất và các dịch vụ Internet vệ tinh của 5.000 thiết bị đầu cuối Starlink".
USAID phải trả 1.500 USD cho mỗi thiết bị đầu cuối tiêu chuẩn và dịch vụ đi kèm, các tài liệu cho thấy. Theo trang web Starlink, một bộ thiết bị đầu cuối tiêu chuẩn có giá 600 USD, trong khi phí dịch vụ hàng tháng là 110 USD, cộng thêm 100 USD cho việc vận chuyển và bốc dỡ.
Theo The Verge, Starlink gần đây đã tiết lộ một dịch vụ cao cấp riêng biệt với giá thiết bị là 2.500 USD và phí Internet hàng tháng là 500 USD, nhưng vẫn chưa rõ liệu đây có phải là các thiết bị Ukraine đã nhận được hay không. Mỹ và các quốc gia khác đã trả tiền để gửi nhiều thiết bị đến cho Ukraine. Theo các tài liệu, chi phí mà USAID đã trả để vận chuyển 5.000 thiết bị đầu cuối đã vượt quá 800.000 USD.
Đây không phải là lần đầu tiên các công ty của Elon Musk nhận được tài trợ đáng kể từ chính phủ Mỹ. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ trước đây đã tài trợ cho SpaceX 886 triệu USD để Starlink cải thiện băng thông rộng nông thôn. Và Tesla cũng đã nhận được hàng tỷ USD tiền tài trợ của chính phủ.
Các quan chức Pháp xác nhận họ cũng giúp vận chuyển. Văn phòng thư ký nhà nước Pháp về các vấn đề kỹ thuật số Cédric O cho biết SpaceX "đã vận chuyển 200 bộ vệ tinh Starlink cho chính quyền Ukraine, đi qua Ba Lan". Văn phòng cho biết họ chỉ "cung cấp dịch vụ hậu cần và vận chuyển" mà không mua thiết bị, đó là khoản đóng góp từ SpaceX. Shotwell, chủ tịch SpaceX, chia sẻ rằng "Pháp đã giúp đỡ" và "tôi nghĩ Ba Lan cũng đang giúp đỡ".
Các quan chức Ukraine đã ca ngợi những đóng góp của SpaceX và ghi nhận các thiết bị Starlink giúp duy trì Internet trong chiến tranh. "Chúng tôi đang sử dụng hàng nghìn thiết bị đầu cuối, với các chuyến hàng mới đến cách ngày", Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine, nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.
Ngay từ khi căng thẳng nổ ra, Ukraine nhanh chóng lo lắng về khả năng giao tiếp với các nước còn lại trên thế giới. "Dịch vụ Starlink sẵn lòng hoạt động ở Ukraine", người sáng lập SpaceX, Elon Musk, đã tweet cho Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov vào ngày 26/2 để đáp lại yêu cầu được hỗ trợ của ông. Đúng là Musk đã thực hiện điều này, mặc dù không rõ Starlink thực sự giúp được đến đâu. Nhưng bây giờ thế giới biết rằng Musk đã "ra tay tương trợ" với rất nhiều sự giúp đỡ từ chính phủ Mỹ, hay nói đúng hơn là từ những người đóng thuế tại Mỹ.